Các cường quốc trên thế giới đang “tiến gần hơn bao giờ hết” tới một thỏa thuận nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 có tên là “Kế hoạch hành động chung toàn diện” (JCPOA). Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các bên đều đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran.
Cả Mỹ và Iran đều mô tả các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức sau khi nối lại hồi tuần trước mang tính xây dựng và đang “đi đúng hướng”. Tuy nhiên, các bên liên quan cũng nói rằng, cần phải đưa ra những quyết định chính trị cứng rắn để khắc phục những khác biệt còn lại, và đây là lúc để đưa ra “những quyết định nghiêm túc”. Liệu những nỗ lực ngoại giao nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran có đem lại kết quả như dư luận kỳ vọng?
Thỏa thuận hạt nhân Iran đang “tiến gần hơn bao giờ hết”
Từ những căng thẳng, bất đồng tưởng như bế tắc không thể tháo gỡ trong năm 2020 thì việc Iran và các bên ngồi lại vào bàn đàm phán tại Vienna, Áo về vấn đề hạt nhân trong thời gian qua có thể nói là tín hiệu tích cực và thiện chí. Kết quả này trước hết là nỗ lực ngoại giao của các nước châu Âu cùng Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức khi tổ chức nhiều cuộc đàm phán song phương, đa phương với Iran, cũng như kéo Iran và Mỹ tới cuộc đàm phán nhằm tránh xung đột, thậm chí là chiến tranh.
Trong gần một năm qua, các bên đã thực hiện 8 vòng đàm phán về việc phục hồi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Cả phía Mỹ và Iran cùng các nước phương Tây đều nói rằng các vòng đàm phán có những tiến bộ và đang tiến gần hơn bao giờ hết đến một thỏa thuận.
Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần qua tuyên bố rằng đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong các cuộc đàm phán ở Vienna, xem xét rằng khả năng ký kết một thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran là có thể "trong vòng vài ngày", nếu Tehran cho thấy "sự nghiêm túc" trong vấn đề này. Trưởng đoàn đàm phán Iran đã xác nhận sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, các bên đang tiến gần đến việc đạt được một thỏa thuận hơn bao giờ hết, nhưng trừ khi mọi thứ được thống nhất.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng sẽ không có thỏa thuận toàn diện nếu không nhất trí được những chi tiết nhỏ nhất. Phía Mỹ cũng cảnh báo bất kỳ sự chậm trễ nào hơn thế nữa sẽ khiến khả năng quay trở lại thỏa thuận là mong manh. Trong khi đó, Iran vẫn giữ quan điểm cần ưu tiên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, xác minh điều này trên thực tế và có được sự đảm bảo rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ không lặp lại.
Yếu tố nào đang tác động tới các cuộc đàm phán ?
Cuộc đàm phán này được cho là có tiến triển nhưng thực tế còn nhiều vấn đề chưa được các bên thống nhất để có thể đi tới ký thỏa thuận. Trước hết đó là niềm tin giữa các bên.
Thứ nhất, Iran họ vẫn còn e dè việc Mỹ có thể sẽ một lần nữa đơn phương rút khỏi thỏa thuận như đã làm vào năm 2018. Iran mong đạt được "tuyên bố chính trị" từ Quốc hội Mỹ, trong đó cam kết quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và thực hiện nó.
Thứ hai, niềm tin vào đối tác Mỹ càng lung lay khi Mỹ rời bỏ đồng minh Afganistan năm 2021 khiến nước này lầm vào cảnh nội chiến tan hoang và Taliban lên nắm quyền.
Thứ ba, ngay cả Mỹ và phương tây cũng cho rằng Iran chưa thực sự thiện chí đàm phán và cho rằng đây là bài “câu giờ” của nước này nhằm tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân và làm giàu uranium.
Thứ tư, ngay trong các bên tham gia đàm phán cũng còn có những quan điểm bất đồng. Đó là về quan điểm và chủ trương đàm phán của mỗi bên.
Về mặt kỹ thuật và chi tiết của thỏa thuận đàm phán, các bên vẫn còn nhiều bất đồng. Và nói là tiến gần tới thỏa thuận, thì đó dường như là ngôn ngữ ngoại giao, trên thực tế để các bên cùng đặt bút ký vào thỏa thuận hạt nhân vẫn còn rất khó và mất nhiều thời gian. Đại diện Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Liên minh châu Âu và Mỹ vẫn đang đàm phán chi tiết, trong bối cảnh phương Tây cảnh báo rằng, thời gian sắp hết trước khi thỏa thuận hạt nhân Iran trở thành dĩ vãng. Các bên nói rằng phần lớn văn bản dự thảo đã được giải quyết, nhưng một số vấn đề hóc búa vẫn còn.
Thứ nhất, Mỹ và phương Tây cho rằng Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân khi mức độ làm giàu uranium lên tới 60% và những tiến bộ hạt nhân mà Iran đạt được kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận đồng nghĩa với việc thỏa thuận năm 2015 sẽ sớm trở nên trống rỗng về nội dung, khó giữ nguyên thỏa thuận 2015. Trong khi Iran luôn khẳng định nước này muốn có công nghệ hạt nhân để sử dụng vì mục đích hòa bình.
Thứ hai, Mỹ đưa ra các điều kiện để ký kết một thỏa thuận như giải phóng khoảng 7 tỷ đô la trong quỹ của Iran bị đóng băng tại các ngân hàng của Hàn Quốc, cũng như việc thả các tù nhân phương Tây đang bị giam giữ ở Iran.
Thứ ba, thời điểm bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chưa được thống nhất. Các quan chức ước tính khoảng thời gian kể từ ngày ký kết thỏa thuận cho đến ngày tái thực thi là từ một đến ba tháng. Trong lúc đó, Iran sẽ quay trở lại mức làm giàu uranium tối đa 3,67%.
Thứ tư, Iran yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt nhưng phía Mỹ tuyên bố chỉ dỡ bỏ một phần.
Kỳ vọng mong manh những nỗ lực đàm phán
Trên bình diện khu vực, các nước nói chung và người dân đều mong muốn và kỳ vọng cuộc đàm phán hạt nhân đi tới hồi kết và một khu vực an toàn, hòa bình. Nhưng với những vấn đề còn tồn tại thì hy vọng về những nỗ lực của các bên trở nên mong manh nếu như không muốn nói là có thể đổ vỡ trước khi đi tới bản thỏa thuận cuối cùng.
Với quan điểm cứng rắn về các điều khoản của đàm phán, với việc coi thỏa thuận như một “trò chơi chính trị” của các bên thì khó có thể dự đoán bao giờ đạt được thỏa thuận và liệu rằng thỏa thuận có được chính các bên tuân thủ nghiêm túc hay không? Đó là chưa kể tới những phe phái chính trị trong nội bộ của Mỹ cũng như Iran và ngay cả những người đang đàm phán cũng có thể thay đổi khi bầu cử ở mỗi nước.
Dư luận cho rằng, rủi ro là rất lớn và không có đủ hàng rào an toàn. Cơ hội đạt được bước đột phá trong cuộc đàm phán ở Vienna là rất mong manh. Tất cả những dấu hiệu cho thấy các nhà đàm phán đang đối mặt với con đường gập ghềnh. Ngay cả các nhà ngoại giao phương Tây không hy vọng các cuộc thảo luận ở Vienna sẽ mang lại nhiều kết quả, vì Iran đang cố gắng đàm phán lại thỏa thuận, chứ không phải quay trở lại thỏa thuận 2015./.