Trong dòng trạng thái trên Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi khẩn trương thúc đẩy hoàn tất một thỏa thuận cho tiến trình đàm phán hiện nay tại Vienna (Áo) liên quan chương trình hạt nhân của Iran.
Theo người phát ngôn này, một thỏa thuận giải quyết được những quan ngại cốt lõi của tất cả các bên đã hiện ra trong tầm mắt. Tuy vậy, Mỹ cho rằng nếu không hoàn tất trong vài tuần tới, những tiến triển hiện nay về hạt nhân của Iran sẽ khiến Mỹ không thể nào quay trở lại thỏa thuận năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Trong khi đó, cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - Saeed Khatibzadeh cho biết, nhiều yêu cầu của Iran về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo ông Khatibzadeh, phía Iran sẽ tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận nhanh chóng với một thái độ chân thành, nhưng câu trả lời Mỹ đưa ra tại Vienna vào hôm nay (8/2) mới quyết định các bên có đạt được thỏa thuận hay không
“Hiện tại, còn rất sớm để dự đoán kết quả của các cuộc đàm phán. Về cơ bản, việc đưa ra các dự đoán về những gì chưa xảy ra là không chính xác. Điều tôi có thể nói với các bạn là đoàn đàm phán của Cộng hòa Hồi giáo Iran đang có mặt tại Vienna đã rất nỗ lực và mong muốn phía Mỹ xóa bỏ lệnh trừng phạt bất hợp pháp áp đặt lên Iran. Nếu Mỹ xem xét và xóa bỏ các lệnh trừng phạt, các bên chắc chắn sẽ đạt được một thỏa thuận”.
Theo kế hoạch, vào hôm nay (giờ địa phương), phái đoàn của các cường quốc sẽ tập trung trở lại tại Vienna, Áo nhằm nối lại tiến trình đàm phán cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015. Vòng thứ 8 của cuộc đàm phán với sự tham dự của Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Vương quốc Anh, Iran và Mỹ.
Các vòng đàm phán trước đó cũng đã đạt được một số tiến triển. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn nhấn mạnh, nếu muốn nước này quay trở lại thỏa thuận năm 2015 thì Iran cũng phải tuân thủ trở lại các cam kết trong thỏa thuận của mình. Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran, ông Ali Shamkhani cho rằng, mặc dù đã có "những tiến bộ hạn chế" trong các cuộc đàm phán tại Vienna, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được "cân bằng" về cam kết của Mỹ và Iran trong các cuộc đàm phán.
Như vậy, có thể thấy, bất đồng giữa các bên vẫn là việc bên nào hành động trước. Hiện Iran đã đá “quả bóng” sang phía Mỹ và dư luận đang chờ những nhượng bộ từ phía Mỹ bởi dù sao tiến trình đàm phán tại Vienna vẫn là cơ hội tốt để làm sống lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện. Theo các nhà phân tích, nếu kết quả đàm phán khả quan, rất có thể các bên sẽ đạt được một thỏa thuận tạm thời làm bước đệm cho các cuộc đàm phán tiếp theo./.