Khoảnh khắc của sự thật
Sau những đơn kiện thất bại, những lần kiểm lại phiếu không thay đổi kết quả và những cáo buộc chưa có bằng chứng về gian lận bầu cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải chấp nhận sự thật sau khi các đại cử tri bỏ phiếu ngày 14/12 (giờ Mỹ).
Giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn lan rộng khắp nước Mỹ, 538 đại cử tri sẽ đi bỏ phiếu, bầu cho ông Biden hoặc ông Trump, dựa trên sự phản ánh kết quả số phiếu phổ thông ở bang của họ.
Trong lịch sử, cuộc họp này của Đại cử tri đoàn hầu như rất ít được chú ý. Tuy nhiên, những chiến dịch pháp lý của Tổng thống Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử đã khiến mọi thời điểm trong quá trình bầu cử cũng như quyết định của các đại cử tri đều trở thành mối quan tâm của dư luận.
Hiện nay, một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cân nhắc, ngày này sẽ là dấu mốc họ công nhận ông Biden là tổng thống đắc cử. Tháng trước, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã tuyên bố rằng: "Đại cử tri đoàn sẽ quyết định người chiến thắng".
"Đây là thời điểm của sự thật và một kết quả không thể lay chuyển sẽ được ấn định hoàn toàn. Năm nay, hơn bao giờ hết, đây gần như một hành động nghiêm túc để kiểm những lá phiếu chính thức, vốn được quyết định bởi các đại cử tri nhằm chọn ra nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới", ông Ben Wikler, một đại cử tri ở Wisconsin, người cam kết sẽ bầu cho ông Biden, nhận định.
"Đại cử tri bất tuân"
Trong hệ thống Đại cử tri đoàn, mỗi bang sẽ có một số lượng đại cử tri nhất định, dựa trên số đại biểu của họ trong Quốc hội. Những người này sẽ bỏ phiếu chính thức bầu Tổng thống Mỹ. Thông thường, các đại cử tri đều bỏ phiếu cho ứng viên đã giành chiến thắng phiếu phổ thông của bang đó nhưng họ có thể không làm vậy. Khi đó, họ được gọi là những đại cử tri bất tuân.
Dù vậy, hầu như có rất ít các đại cử tri bất tuân bởi các đại cử tri được lựa chọn dựa trên lòng trung thành với đảng của họ. Xu hướng này dường như vẫn sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2020, do đó, khả năng biển động kết quả từ nhóm cử tri bất tuân gần như bằng 0.
Trên thực tế, do không thể đưa ra những bằng chứng thuyết phục, chiến dịch của Tổng thống Trump đã thất bại trong hàng loạt đơn kiện nhằm đảo chiều kết quả bầu cử. Ông Trump cũng không thể thuyết phục các nhà lập pháp xác nhận danh sách các đại cử tri ủng hộ cho ông tại các bang chiến địa mà ông thua như Michigan, Pennsylvania và Georgia.
"Chúng tôi cho rằng có những dấu hiệu khá rõ ràng từ các nhà lập pháp bang cho thấy điều đó (việc thay đổi kết quả bầu cử - ND) sẽ không xảy ra", Rebecca Green, giám đốc chương trình luật bầu cử thuộc Trường Luật William và Mary đánh giá.
Nhằm hạn chế sự trì hoãn, Tòa án Tối cao Mỹ đã quy định hồi tháng 7 rằng, các bang có thể yêu cầu các thành viên của Đại cử tri đoàn phải bầu cho người chiến thắng phiếu phổ thông, đồng thời cấm các đại cử tri "lật kèo" ở hầu hết các bang. 23 bang không cho phép các đại cử tri "bất tuân" bỏ phiếu.
"Chúng ta có thể mong đợi rằng quy định trên sẽ hạn chế được nhiều trường hợp gian lận hơn", bà Green cho hay.
Bên cạnh đó, chưa bao giờ có việc các đại cử tri bất tuân thay đổi kết quả bầu cử mặc dù về lý thuyết, việc này có thể xảy ra.
Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử năm 2000, chỉ cần 2 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho ai đó ngoài ông George W. Bush, kết quả có thể sẽ thay đổi bởi tổng số phiếu của ông Bush từ 271 sẽ giảm xuống còn 269 và cuộc bầu cử năm đó sẽ buộc phải tìm kiếm câu trả lời ở Hạ viện.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm 2020, cách biệt giữa 2 ứng viên lớn hơn nhiều khi ông Biden giành được 306 phiếu đại cử tri trong khi số phiếu của ông Trump là 232. Điều đó tức là đảng Cộng hòa cần một số lượng đại cử tri bất tuân vô cùng lớn thì Tổng thống Trump mới có thể giành ưu thế.
Quy trình bỏ phiếu đại cử tri
Cuộc gặp của các đại cử tri ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ ngày 14/12 sẽ bắt đầu vào trưa hoặc 14h (giờ địa phương) và mở cửa với công chúng hoặc được phát trực tuyến. Những cuộc họp như vậy thường kéo dài chưa tới 1 tiếng, đôi khi chưa đến 20 phút. Người đứng đầu ban bầu cử của bang hoặc các quan chức bầu cử khác sẽ chủ trì cuộc họp. Trong căn phòng với nhiều đại cử tri đến từ cùng một đảng, không có cuộc tranh luận nào xảy ra nhưng một số đại cử tri vẫn có một vài bài phát biểu về dân chủ và khoảnh khắc lịch sử này.
Các đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống trên những lá phiếu riêng, sau đó, họ sẽ ký vào 6 tờ xác nhận bầu cử với 1 tờ được chuyển tới cho Phó Tổng thống Mike Pence, 2 tờ được chuyển cho người đứng đầu Ban bầu cử của bang, 2 tờ được chuyển cho cơ quan lưu trữ Mỹ và 1 tờ được chuyển cho thẩm phán liên bang tại nơi diễn ra cuộc họp.
Trong suốt cuộc họp Quốc hội ngày 6/1 tới, ông Pence - Chủ tịch Thượng viện Mỹ sẽ mở giấy xác nhận kết quả bầu cử của các đại cử tri ở từng bang theo thứ tự chữ cái để kiểm phiếu. Bất kỳ sự phản đối nào xảy ra đều cần sự ủng hộ từ 1 hạ nghị sĩ và 1 thượng nghị sĩ. Lưỡng viện Mỹ sau đó sẽ họp riêng để bỏ phiếu để giải quyết các tranh cãi được đưa ra.
Trump chuyển hướng chiến lược
Tổng thống Trump và các đồng minh của ông đã chuyển trọng tâm chiến lược sang ngày 6/1 khi Quốc hội Mỹ có một phiên họp chung để kiểm phiếu đại cử tri và tuyên bố người chiến thắng.
Matthew Weil, giám đốc Dự án Bầu cử của Trung tâm Chính sách lưỡng đảng cho biết, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn sẽ đánh dấu một "bước ngoặt" cho Tổng thống Trump và các thách thức pháp lý của ông. Đội ngũ pháp lý và các đồng minh của ông Trump đã thay đổi mục tiêu và cách thức hành động trong nỗ lực cuối cùng nhằm đảo chiều kết quả vào ngày Quốc hội xác nhận kết quả trước khi lễ nhậm chức diễn ra ngày 20/1 tới.
Hơn 60 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã kêu gọi đoàn đại biểu quốc hội của Pennsylvania bác bỏ chiến thắng của ông Biden. Nhận được sự tán dương từ Tổng thống Trump, nghị sĩ Mo Brooks của bang Alaska cho biết ông hy vọng sẽ "bác bỏ được kết quả bỏ phiếu ở các bang nhất định" như Georgia và Pennsylvania.
Dù vậy, ông Weil cho hay: "Tôi không thể tưởng tượng bất kỳ điều gì có thể thay đổi được kết quả khi Quốc hội hành động".
Các chuyên gia lập pháp cũng nhận định những thách thức trên của ông Trump và đồng minh hầu như không thể thay đổi cục diện hiện nay.
Ned Foley, giám đốc chương trình luật bầu cử tại Trường Luật Moritz của Đại học bang Ohio cho biết, thậm chí cả khi thực tế bất khả khi này xảy ra, khi đơn thư phản đối về số phiếu đại cử tri được trình lên Thượng viện hoặc Hạ viện, nó sẽ không nhận được đủ số phiếu để trở thành hiện thực. Chẳng hạn, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát sẽ nhanh chóng dập tắt nỗ lực này và có lẽ một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cùng sẽ phản đối động thái như vậy.
"Có lẽ sẽ cần một cuộc bỏ phiếu, có lẽ sẽ có một vài tranh cãi ngày 6/1 nhưng nếu nhìn nhận một cách thực tế, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến người sẽ nhậm chức ngày 20/1”, ông Forey bình luận.
Năm 2016, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Pramila Jayapal đã phản đối giấy xác nhận phiếu đại cử tri ở Georgia nhưng ông Biden khi đó là Chủ tịch Thượng viện đã nhanh chóng hủy bỏ cuộc tranh luận bởi bà Pramila Jayapal thiếu chữ ký của một thượng nghị sĩ.
Năm 2004, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang California đã ký vào giấy phản đối của Hạ viện về kết quả bầu cử ở bang Ohio, một bang có vai trò quyết định trong chiến thắng của Georgia W. Bush so với John Kerry. Dù vậy, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều khiến nỗ lực này thất bại.
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tuần trước cho thấy họ sẵn sàng công nhận ông Biden là tổng thống đắc cử sau khi Đại cử tri đoàn họp ngày 14/12.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Tennessee Lamar Alexander cho biết ông Biden "rất có thể là tổng thống đắc cử".
"Và nếu ông ấy trở thành tổng thống đắc cử, tôi hy vọng Tổng thống Trump sẽ đặt quốc gia lên trước, chúc mừng ông Biden, tự hào về những điều ông ấy đạt được cũng như giúp ông ấy có một khởi đầu tốt".
Thượng nghị sĩ bang Indiana Mike Braun cũng cho rằng ông "có lẽ sẽ không" thách thức kết quả bầu cử ngày 6/1.
"Tôi không nghĩ có bất kỳ thượng nghị sĩ nào cảm thấy thoải mái khi làm việc đó".
Ông Braun nhận định ông ủng hộ những nỗ lực nhằm giải quyết những băn khoăn về cuộc bầu cử nhưng không điều gì có thể đảo ngược kết quả này. Ông cũng cho biết ông sẽ chờ tới cuộc bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn ngày 14/12 (giờ Mỹ) để gọi tên ông Biden là tổng thống đắc cử./.