Đây là nhận định của ông Andray Kovtun- cán bộ ngoại giao của Nga từng có nhiều năm công tác tại Việt Nam với liên tục 2 nhiệm kỳ làm việc tại Tổng lãnh sự quán Liên Xô, và sau này là Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh và gần đây nhất là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nga tại Việt Nam (nhiệm kỳ 2009– 2014).

25_8_ong_andray_kovtun_tra_loi_pv_cua_phong_vien_dai_tnvn_ve_70_nam_nganh_ngoai_giao_nga_va_quan_he_nga_viet_ikts.jpg
Phóng viên VOV (phải) phỏng vấn ông Andray Kovtun, một cán bộ Ngoại giao kỳ cựu của Nga từng là Đại sứ Nga tại Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm tròn 70 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam, ông Kovtun đã dành cho phóng viên VOV một cuộc phỏng vấn nhằm đánh giá lại những thành tựu của ngành Ngoại giao trong thời gian qua cũng như mối quan hệ sâu sắc Việt- Nga trong nhiều năm qua.

PV: Ông đánh giá thế nào về hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong chặng đường 70 năm qua?

Ông Andray Kovtun: Trước hết tôi xin chúc mừng ngành Ngoại giao Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm thành lập. Ngành Ngoại giao Việt Nam cũng như nước Việt Nam độc lập đã trải qua những năm tháng đầy phức tạp.

Đó là thời điểm mà ngành ngoại giao non trẻ vừa phải cùng với đất nước mới độc lập tiếp tục cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập vừa phải nỗ lực hết sức để xây dựng ngành Ngoại giao, phát triển các mối quan hệ với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các quốc gia để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đấu tranh của mình.

Sau đó, Việt Nam lại phải tiếp tục một cuộc kháng chiến để giành chiến thắng và thống nhất đất nước và trong điều kiện đó, ngành Ngoại giao Việt Nam cũng đã phải nỗ lực rất nhiều và đã đạt được những thành tựu to lớn.

Điều tôi muốn nói đến chính là thành công trong việc đạt được những Hiệp định hòa bình ở Geneva rồi ở Paris. Với những thành công ấy, ngành Ngoại giao Việt Nam đã xây dựng được cho mình một đường lối ngoại giao mà một mặt là kiên quyết bảo vệ được lợi ích của tổ quốc mình, dân tộc mình, mặt khác là linh hoạt, sáng tạo trong các cuộc đàm phán để giải quyết được vấn đề và đạt được kết quả cuối cùng là ký kết các văn kiện quan trọng.

Một điều không thể không nói đến là sau khi đất nước được thống nhất vào năm 1975, Việt Nam lại rơi vào một tình huống rất khó khăn, đó là sự bao vây cấm vận về kinh tế và bị cô lập với các quốc gia khác...

Lúc đó ngành Ngoại giao của Việt Nam lại phải rất vất vả để đấu tranh phá thế bị bao vây, cô lập và khẳng định vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Và trong cuộc đấu tranh ấy, ngành Ngoại giao nói chung và Bộ Ngoại giao Việt Nam nói riêng đóng vai trò rất quan trọng.

Ngày nay chúng ta thấy một bức tranh đã rất khác của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế: các bạn đã có tiếng nói của mình, có vị trí của mình; Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với rất nhiều quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc.

Việt Nam đã trở thành đối tác bình đẳng của nhiều quốc gia, cả những cường quốc trên thế giới; đất nước các bạn đã xây dựng được một hệ thống các quan hệ kinh tế ...

Tất cả những thành công ấy đều có sự đóng góp của ngành Ngoại giao Việt Nam với mạng lưới các cơ quan ngoại giao ở khắp nơi trên thế giới cùng với trụ sở chính ở Hà Nội.

PV: Trong quá trình công tác nhiều năm tại Việt Nam cũng như với cảm tình và sự quan tâm cá nhân, ông có kỷ niệm gì, hay sự kiện lớn nào gây ấn tượng trong ông về vai trò của ngành Ngoại giao trong chặng đường phát triển của đất nước cũng như trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Nga?

Ông Andray Kovtun: Trong suốt 30 năm công tác ở Việt Nam cả khi là quan hệ Việt Nam với Liên Xô trước kia và Nga sau này, quả thực tôi đã được chứng kiến khá nhiều sự kiện quan trọng và đáng nhớ.

Và những sự kiện gây ấn tượng nhất cho tôi là những sự kiện dù giản dị thôi nhưng lại diễn ra vào thời điểm rất phức tạp trong quan hệ giữa Nga với Việt Nam. Những sự kiện đó đã góp phần quan trọng để hai nước chúng ta có được mối quan hệ như ngày hôm nay.

Đó là vào cuối năm 1991 và đầu năm 1992 sau khi Liên xô tan rã - thời điểm rất khó khăn đối với nước Nga cũng như với Việt Nam- nhưng rất may là chúng ta đã duy trì được mối quan hệ hữu nghị, ủng hộ lẫn nhau và sau đó chúng ta lại tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ như ngày hôm nay.

Vào thời điểm đó, ấn tượng còn đậm nhất trong tôi là chuyến thăm Nga đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Với chuyến thăm đó, hai bên đã đạt được văn kiện cơ bản là Hiệp định Hợp tác Hữu nghị Nga – Việt mà trên cơ sở đó quan hệ song phương được thúc đẩy lên tầm cao mới.

Sự kiện thứ hai gây ấn tượng cho tôi về bước tiếp theo thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta đó là chuyến thăm Nga của Thủ tướng Phan Văn Khải vào năm 2000. Với chuyến thăm đó, hai bên đã cùng nhau tìm ra hướng giải quyết các vấn đề về nợ và tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương.

Một sự kiện nữa là vào năm 2001, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam và trở thành lãnh đạo cấp cao nhất của Nga lần đầu tiên thăm Việt Nam.

Với những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm này, quan hệ giữa hai nước được nâng lên đáng kể và mối liên lạc trực tiếp cấp cao đã được thiết lập thông qua hai Bộ Ngoại giao Nga và Việt Nam.

PV: Hai nước chúng ta đang có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”. Theo ông, trong tương lai có những triển vọng gì để quan hệ Nga – Việt sẽ phát triển hơn nữa?

Ông Andray Kovtun: Đúng là như vậy, mối quan hệ giữa hai nước đã đạt mức độ đó kể từ chuyến thăm Nga vào năm 2012 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi cùng ký kết nhiều văn kiện quan trọng và bản thân tôi, tôi cho rằng, mức độ quan hệ này đáng ra còn phải từ sớm hơn nữa.

Theo tôi, triển vọng quan hệ giữa hai nước chúng ta là rất tốt đẹp. Như tôi đã nói, kể từ năm 2001, với chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Nga Putin đến nay, các cuộc đối thoại ở cấp cao giữa hai nước liên tục diễn ra, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác song phương.

Triển vọng hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực có nhiều cơ hội để mở rộng, trong đó có các lĩnh vực như khoa học, văn hóa, giáo dục. Trong lĩnh vực giáo dục, điểm đặc biệt là việc Nga giúp đào tạo sinh viên Việt Nam đang ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ là vào khoảng 10-15 năm trước thì ở Việt Nam không có nhiều các thanh niên muốn sang Nga du học, bây giờ đã khác rồi. Số sinh viên Việt Nam đang học ở Nga đã lên tới khoảng 5.000 và con số này sẽ ngày một tăng.

Vào năm 2009 khi tôi làm Đại sứ tại Việt Nam thì số học bổng Nga giúp đào tạo sinh viên Việt Nam mới chỉ vài chục, nhưng con số này đã tăng lên nhanh chóng thành vài trăm trong 6-7 năm trở lại đây.

Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin, cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Giáo dục đào tạo Nga – Việt đã thống nhất sẽ tăng con số này lên thành 1.000 suất học bỏng mỗi năm.

Tôi cho rằng, đây là điều rất tốt, bởi thanh niên là tương lai của đất nước và tương lai quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ rất có triển vọng khi việc này được hai bên cùng quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ./.

>> Xem thêm: Không phải cứ nước lớn là có quyền nói to