Quyết định của Tổng thống Joe Biden rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan đã dấy lên sự bất ổn nội bộ quốc gia Nam Á này, nơi bạo lực dường như đang leo thang trở lại với việc lực lượng Taliban đã chiếm được một số khu vực.

Việc rút quân của Mỹ còn châm ngòi một cuộc đua trong khu vực, với nhiều bên khác nhau từ Trung Quốc tới Thổ Nhĩ Kỳ, từ Nga tới Ân Độ - tất cả đều đang tìm cách tận dụng khoảng trống quyền lực ngoại giao ở Kabul.

Afghanistan lâu nay vốn chịu ảnh hưởng bởi các nước láng giềng lớn mạnh hơn như Pakistan và Iran. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang muốn đặt mình vào vai trò an ninh chính sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia tăng ảnh hưởng

Theo kế hoạch, các nước thành viên NATO sẽ rút hoàn toàn các lực lượng trước 11/9/2021. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là một thành viên của NATO, lại tuyên bố các lực lượng nước này sẽ tiếp tục ở lại.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một láng giềng liền kề Afghanistan. Nước này không có chung đường biên giới với Afghanistan vốn nằm sâu trong đất liền, mà nằm xa hơn về phía Tây. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang nhận thấy một cơ hội kép ở Afghanistan.

Ankara đang tận dụng thiện chí trong mối quan hệ với Mỹ để đề xuất đảm nhận trách nhiệm bảo vệ sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, sân bay có vai trò quan trọng kết nối với thế giới. Động thái này, được nêu ra ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Erdogan với Tổng thống Mỹ Biden ở Brussels bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO.

Theo Galip Dalay, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Brookings Doha, sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO duy nhất có phần đông là người Hồi giáo – có vẻ “dễ chịu” hơn và phù hợp hơn trong việc “cân bằng tính chất nhạy cảm” của người Afghanistan.

Tuy nhiên, Taliban lại nghĩ khác. Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đề xuất trên, Taliban đã cảnh báo, dù Thổ Nhĩ Kỳ là một “quốc gia Hồi giáo lớn” nhưng nước này vẫn là thành viên NATO, do đó Ankara có nghĩa vụ phải rút khỏi Afghanistan theo thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban năm 2020.

Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải là nước duy nhất nhận thấy những điều hứa hẹn trong việc “lấp chỗ trống” mà Mỹ để lại ở Afghanistan.

Cơ hội kinh tế của Trung Quốc

Theo nhà phân tích Jason Campbell thuộc Rand Corp, Trung Quốc, nước có chung đường biên giới với Afghanistan, lâu nay luôn “để mắt” và coi quốc gia Nam Á này là một đối tác kinh tế, một hành lang sinh lợi cho sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, an ninh bất ổn ở Afghanistan lại là vấn đề đối với đầu tư của Trung Quốc.

Trái ngược với mục tiêu của Mỹ là bảo vệ an ninh và xây dựng nhà nước ở Afghanistan, Trung Quốc chỉ coi Afghanistan là một cơ hội kinh tế. Tuy nhiên, những trải nghiệm của Mỹ và NATO kể từ năm 2001 đã khiến bất cứ nước nào khác phải chùn bước trước khi can dự mạnh mẽ, theo ông Campbell.

“Không có nước nào khác muốn can dự vào Afghanistan với mức độ gần như Mỹ và NATO đã làm suốt 20 năm qua”, ông Campbell nói.

Vì thế Trung Quốc đang cân nhắc một cách kỹ lưỡng và phối hợp với đồng minh chiến lược Pakistan, nước được cho là có ảnh hưởng đáng kể đối với Taliban. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng thiết lập cơ chế đối thoại 3 bên với Kabul và Islamabad để đảm bảo an ninh và phát triển Afghanistan, chống các nhóm khủng bố đe dọa cả 3 nước, cũng như thực hiện tiếp xúc ngoại giao song song với Taliban.

Nga, Iran và Ấn Độ cũng đang “để mắt” tới Afghanistan

Về phía Bắc của Afghanistan, qua các cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, nơi Moscow vẫn có ảnh hưởng nhất định, các nhà phân tích nhận thấy Nga có thể yên tâm khi Mỹ không còn sự hiện diện quân sự lớn ở sườn phía Nam.

Hiện Nga đang huấn luyện cho lực lượng an ninh của Afghanistan, đồng thời cân nhắc về sự hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn với chính phủ Afghanistan. Kabul đang đề nghị mua vũ khí của Nga và muốn Mosocw nâng cấp, bảo trì phi đội trực thăng quân sự của nước này.

Đối với Iran có phần đông là người Hồi giáo Shiite, mối quan hệ không mấy suôn sẻ với Taliban theo dòng Sunni đã được làm dịu đi bởi sự đối đầu chung với Mỹ. Với việc Mỹ rút quân, Taliban giành được các chiến thắng trên thực địa ở Afghanistan, Iran đã rất thực tế về việc bắt tay với lực lượng này. Hồi đầu năm nay, Taliban đã được mời tới Tehran để gặp giới chức Iran và thảo luận về tiến trình hòa bình Afghanistan.

Về phía Đông, Ấn Độ vốn lâu nay ủng hộ chính phủ ở Kabul cả vể ngoại giao và đầu tư, hiện được cho là đã đảo ngược chính sách không thỏa thuận với Taliban và hiện đang tham gia vào các cuộc đối thoại trực tiếp với lãnh đạo lực lượng này.

Tuy nhiên, sự can sự của Ấn Độ ở Afghanistan lâu nay luôn bị cản trở bởi sự hiện diện của một nước khác sẽ “nhặt nhạnh” nhiều nhất những gì Mỹ để lại đằng sau. Đó là Pakistan.

Gánh nặng của Pakistan

Suốt hàng thập kỷ, Pakistan đã phải chịu cả gánh nặng và sự đổ lỗi về xung đột ở Afghanistan.

Islamabad đã thực hiện chính sách mở cửa biên giới với nước láng giềng, cho phép hơn 3 triệu người tị nạn chiến tranh đổ sang Pakistan.

Quân đội Pakistan, ban đầu được sự ủng hộ của Mỹ nhưng sau thì không, đã ảnh hưởng tới cuộc xung đột ở Afghanistan kể từ những năm 1980, trước tiên là huấn luyện và sau đó là trang bị cho một số thành phần mujahedeen Afghanistan. Sau này, ở giai đoạn những năm 2000 và 2010, Pakistan lại hậu thuẫn các nhóm Taliban khác nhau.

Mối liên quan này đã nối Pakistan với cuộc xung đột ở Afghanistan trong khi người dân Afghanistan lại không ưa gì Pakistan.

Gưiờ đây, khi khoảng trống quyền lực xuất hiện ngay bên cạnh, Pakistan dường như đang cảm nhận gánh nặng của chính mình trong khu vực. Vì vậy, Pakistan đã kêu gọi các nước có ảnh hưởng trong khu vực chia sẻ gánh nặng về sự sụp đổ có thể dự đoán trước của nền kinh tế và nhà nước Afghanistan trong những tháng tới.

“Sẽ có khoảng trống, đặc biệt là cách mà Mỹ đang tiến hành việc rút quân. Chúng tôi đã cảnh báo về điều này. Đó không phải là một sự rút quân có trách nhiệm. Đừng cho rằng nó sẽ không giống như sai lầm từng xảy ra những năm 1990”, quan chức an ninh giấu tên nói, khi đề cập tới giai đoạn sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan.

Những ý đồ riêng có thể làm trầm trọng thêm khủng hoảng ở Afghanistan

Madiha Afzal, một nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings lo ngại rằng khoảng trống quyền lực sẽ bị nới rộng bằng các cuộc đối đầu kiểu nội chiến giữa Taliban và chính phủ ở Kabul, cho dù các cường quốc khu vực “nhảy vào”.

“Động lực chính, ít nhất ở giai đoạn ban đầu, sẽ không phải là một trong những thế lực bên ngoài đua nhau giành ảnh hưởng và kiểm soát, mà là Taliban và Kabul sẽ đối đầu nhau. Mỗi bên trong số các thế lực bên ngoài [Trung Quốc, Nga, Iran, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ] đều có những ý đồ riêng của mình. Chúng ta đã thấy Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia tăng ảnh hưởng, Ấn Độ đã thay đổi đường lối chính sách và được cho là đã khởi xướng các cuộc thảo luận với Taliban. Pakistan có thể đang có lợi thế nhất, với vị trí địa lý và lịch sử ảnh hưởng với Taliban”, bà Afzal nói.

“Afghanistan đang khiến các nước trong và cả ngoài khu vực cảm thấy căng thẳng. Dù thay vì tới để đề xuất một giải pháp quốc tế rõ ràng, họ lại theo đuổi những đường hướng khác nhau và có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng”, Asfandyar Mir, một nhà nghiên cứu sau tiến sỹ tại Đại học Stanford nói.

Vậy còn Washington thì sao? Mỹ muốn nước nào sẽ lấp chỗ trống mà nước này để lại?

“Lo ngại chính của Mỹ là ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc cũng như Iran – hoặc sự chi phối của Pakistan. Họ sẽ chấp nhận ảnh hưởng của Pakistan ở mức độ nào đó và sẽ muốn điều đó được chế ngự - có thể là bởi ảnh hưởng của Ấn Độ và một vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ”, bà Afzad nói./.