Thông tin của Reuters ngày 12/12 cho biết, các cường quốc dự tính công nhận hoàn toàn lực lượng đối lập tại Syria, nhưng từ chối cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy chống lại hỏa lực của Tổng thống Bashar al-Assad.
"Những người bạn của Syria", một diễn đàn tự do của các chính phủ đối lập với Tổng thống Assad, sẽ nhóm họp tại thành phố Marrakech (Morocco) trong tuần này. Đây là một nỗ lực của phiến quân nhằm tạo cú hích với chính quyền Damascus và cho thấy dấu hiệu cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 20 tháng qua có thể đã tới đỉnh điểm.
Khói bốc lên ở thị trấn Douma gần Damascus (Ảnh Reuters) |
Công nhận liên minh đối lập- bước đầu tạo sức ép
Tổng thống Barack Obama công bố trên truyền hình Mỹ đêm trước Hội nghị tại Marrakech rằng Washington sẽ công nhận liên minh mới được thành lập của các nhóm đối lập là đại diện hợp pháp của Syria. Điều này có thể tăng thêm áp lực “ép” ông Assad phải từ bỏ quyền lực.
"Chúng tôi quyết định rằng Liên minh đối lập Syria đã bao gồm đủ thành phần, đủ để đại diện cho người dân Syria, vì thế chúng tôi có thể coi họ là đại diện hợp pháp của nhân dân Syria chống lại chế độ Assad", Obama nói trong cuộc trả lời phỏng vấn ABC News.
Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Obama chỉ ngắn gọn như vậy và không đả động gì đến việc Mỹ có thể cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria – điều mà Obama đã kiên quyết từ chối.
Reuters dẫn lời của ông Riad Seif, một trong những lãnh đạo lực lượng đối lập cho biết: "Tất cả dấu hiệu đều cho thấy chế độ Bashar al-Assad đã đi đến hồi kết", "Chúng tôi hy vọng cuộc họp này sẽ công nhận đầy đủ liên minh các lực lượng đối lập là đại diện duy nhất của người dân Syria".
Các cuộc giao tranh đang tiến gần hơn đến trung tâm Damascus. Quân nổi dậy đã đụng độ với lực lượng chính quyền hôm thứ Hai (10/12) tại một quận sát cung điện Rawda.
Phiến quân Hồi giáo Sunni đã chiến thắng phần lớn lực lượng Assad với nhiều người trong số họ là người Alawite. Cư dân ở đây nói rằng, rất ít khả năng chính phủ có thể lấy lại quyền kiểm soát.
Theo Reuters, lực lượng của Tổng thống Assad đang sử dụng máy bay chiến đấu và pháo hạng nặng để nỗ lực ngăn chặn quân nổi dậy, nhiều người trong số họ là Hồi giáo cực đoan. Lãnh đạo phe đối lập nói rằng họ cần vũ khí hạng nặng để duy trì lực lượng và thay đổi cán cân quân sự trong một cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của 40.000 người kể từ tháng 3/2011.
Hai lực lượng xung đột với nhau gần sân bay Damascus, cách cung điện Rawda khoảng 25 km (15 dặm) về phía đông nam. Cuộc xung đột này là một phần cuộc đối đầu lớn giữa quân đội của Assad và quân nổi dậy đang nắm giữ một vùng lãnh thổ từ phía đông đến phía tây nam.
Người dân Damascus đang phải đối mặt với tình trạng bị cắt điện và thiếu thốn lương thực khi họ đang cố gắng dự trữ cho mùa đông. Ở miền trung Syria, một cuộc tấn công vào một ngôi làng đã giết chết và làm bị thương gần 200 thành viên của giáo phái thiểu số Alawite của Tổng thống Assad, nhưng không ai đứng ra nhận trách nhiệm về cuộc tấn công.
Các đối thủ chính trị có vũ trang của ông Assad nỗ lực chiến đấu nhằm kết thúc nền thống trị 42 năm của gia đình ông, đã thành lập một phe đối lập chính trị thống nhất hơn và có chỉ huy quân đội, hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ quốc tế.
Cách đây không lâu, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh đã tuyên bố công nhận chính thức liên minh đối lập tại Syria. Tiếp đó, Liên minh châu Âu, trong một cuộc họp hôm 10/12, đã tiến một bước gần hơn và Mỹ cũng đưa ra ý kiến rằng họ có thể công nhận liên minh này.
Tuy nhiên, phe đối lập lại còn cần vũ khí. "Chúng tôi đang nói với cộng đồng quốc tế rằng chúng tôi không muốn họ can thiệp quân sự, nhưng chúng tôi muốn họ cung cấp cho chúng tôi hệ thống phòng không", ông Seif nói. "Người dân Syria có thể kết thúc cuộc chiến trong vài tuần nếu chúng tôi nhận được sự hỗ trợ này".
Từ chối cấp vũ khí- phương Tây khiến liên minh thất vọng
Một nhà ngoại giao tham dự cuộc họp cho biết đã có nhiều "cuộc đua cho vị trí trong liên minh mà không giải quyết các vấn đề chính trị chính”, bao gồm cả việc lên kế hoạch làm việc với các giáo phái Alawite, người Kurd và các dân tộc thiểu số Kitô giáo và tạo ra một hành lang cho công cuộc chuyển giao quyền lực.
Ngay khi các đại biểu đến Marrakech, Mỹ đã tuyên bố đích danh nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Jabhat al-Nusra – nhóm đã nhận trách nhiệm cho hàng chục xe bom và các trận chiến với các lữ đoàn phiến quân Syria khác - là một tổ chức khủng bố.
Farouk Tayfour, phó tướng của Tổ chức Anh em Hồi giáo dòng Sunni cho rằng: “Washington đã có một quyết định rất sai lầm và vội vàng".
Các cuộc giao tranh đã khiến hàng trăm hàng ngàn người Syria phải tị nạn vào các nước láng giềng và Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, hơn nửa triệu người đã đăng ký hoặc đang chờ đăng ký được tị nạn trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ vắng mặt tại cuộc họp Marrakech nhưng cử Thứ trưởng Ngoại giao William Burns tới như một sự khẳng định giúp đỡ phe đối lập.
Mỹ vẫn chưa đề cập đến việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria. Điều này phản ánh sự thận trọng của Washington về ảnh hưởng ngày càng tăng của phong trào Hồi giáo cực đoan và rằng Mỹ miễn cưỡng can dự trực tiếp vào cuộc xung đột.
Trong khi các cường quốc phương Tây đang chần chừ, Qatar và Saudi Arabia lại trang bị vũ khí và tài trợ cho nhóm Anh em Hồi giáo và các nhóm phiến quân khác, còn Iran vẫn tiếp tục “rót tiền” cho Assad.
Theo các nhà quan sát, phương Tây có thể nghiêng cán cân quyền lực bằng cách chuyển vũ khí phòng không và chống tăng cho một số có chọn lọc các đơn vị phiến quân - không phải là những người Hồi giáo cực đoan.
Một số nhân vật của lực lượng đối lập nói rằng cuộc họp của “Những người bạn của Syria” không đáp ứng được hy vọng của họ về sự hỗ trợ quân sự.
"Sự công nhận về mặt ngoại giao là không đủ. Chúng tôi cần sự hỗ trợ quân sự. Một giai đoạn chuyển giao đã bắt đầu và chúng tôi cần phương tiện để bảo vệ những vùng đã giải phóng trước những cuộc tấn công của chính quyền”, thành viên liên minh Abdelbasset Sida nói với Reuters.
"Chúng tôi đang rất gần đến hồi kết. Trận chiến ở Damascus đang tiến rất gần tới chính điện của chính quyền và tôi cho rằng Bashar không thể trụ được lâu nữa", ông nói.
Nhà vận động của lực lượng đối lập Syria Walid al-Bunni cho rằng:
"Việc công nhận liên minh cũng có ích đôi chút, nhưng nó sẽ không giúp kết thúc cuộc khủng hoảng này. Muốn kết thúc khủng hoảng thì nhất thiết phải cần có sự hỗ trợ thực sự của cộng đồng quốc tế”./.