Bước đi được tiến hành chỉ vài giờ sau khi tình báo Mỹ công bố báo cáo điều tra cho thấy chính Thái tử Saudi Arabia Mohamed Ben Salman là người “bật đèn xanh” cho vụ việc. Chính phủ Saudi Arabia đã ngay lập tức bác bỏ, chỉ trích báo cáo là “vô căn cứ và không chính xác”.

Được giải mật theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, bản báo cáo dài 4 trang của tình báo Mỹ khẳng định, Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đã cho phép tiến hành vụ bắt cóc và sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Nhĩ Kỳ.

Theo Tình báo Mỹ, đánh giá dựa trên những thông tin về quyền lực thực tế của Thái tử Mohammed Bin Salman ở Saudi Arabia cũng như sự tham gia trực tiếp của các cận vệ Thái tử trong vụ việc này. Báo cáo được công bố chỉ 1 ngày sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Quốc vương Saudi Arabia Salman.

Nhà báo Jamal Khashoggi sống tại Mỹ và làm việc cho tờ Washington Post. Ông bị sát hại khi tới Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul ngày 2/10/2018 để xin giấy tờ chuẩn bị kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Dù Thái tử Mohammed Ben Salman nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc và cũng yêu cầu các cuộc điều tra “nghiêm túc”, song vụ việc khi đó đã phần nào gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Saudi Arabia, đặc biệt là Thái tử Mohammed Ben Salman, một nhân vật có ảnh hưởng tại Saudi Arabia và tương lai sẽ kế vị Quốc vương Salman. Tới nay, chính quyền Saudi Arabia đã kết án 15 đối tượng liên quan với hình phạt từ 7 năm tù giam cho đến cao nhất là tử hình.

Ngay sau khi công bố báo cáo, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng thông qua một loạt biện pháp trừng phạt từ cấm nhập cảnh đến đóng băng tài sản đối với hàng chục quan chức Saudi Arabia được cho là có liên quan. Đặc biệt trong số này có tướng Ahmed Al-Assiri, nhân vật số 2 của cơ quan tình báo Saudi Arabia. Tuy nhiên, việc Mỹ công bố báo cáo, cũng như không đưa Thái tử Mohammed Ben Salman vào danh sách trừng phạt đã phần nào cho thấy sự khác biệt trong chính sách của Mỹ đối với đồng minh truyền thống Saudi Arabia.

Điều này được thể hiện khá rõ trong phát biểu ngày hôm qua (26/2) của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng, chính phủ quyền Tổng thống Joe Biden muốn “cân chỉnh lại” quan hệ với Saudi Arabia nhưng không muốn “rạn nứt”: “Mối quan hệ với Saudi Arabia là một mối quan hệ quan trọng. Chúng tôi có những lợi ích liên tục đáng kể và Mỹ vẫn cam kết bảo vệ Saudi Arabia. Nhưng chúng tôi cũng muốn đảm bảo rằng, và đây là điều mà tổng thống đã nói ngay từ đầu, rằng mối quan hệ này phản ánh tốt hơn lợi ích và giá trị của chúng ta. Và vì vậy những gì chúng tôi làm không phải là phá vỡ, mà là để điều chỉnh lại các mối quan hệ để chúng trở nên phù hợp hơn với các mối quan tâm và giá trị cốt lõi”.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Joe Biden đã tấn công gay gắt nhằm vào Thái tử Saudi Arabia và dự kiến sẽ tìm cách hạn chế bán vũ khí cho Saudi Arabia cũng như sử dụng biện pháp trừng phạt tài chính. Tuy nhiên, mức độ ra sao là điều mà chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phải cân nhắc bởi Saudi Arabia vẫn là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tại cuộc điện đàm đầu tiên với Quốc vương Saudi Arabia Salman ngày 25/01, Tổng thống Joe Biden cũng cam kết về một mối quan hệ vững chắc hơn và minh bạch hơn với Saudi Arabia./.