Ngay trước thời điểm 31/8, khi quân đội nước ngoài chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện ở Afghanistan sau 2 thập kỷ, lực lượng Taliban tuyên bố sẽ hoàn tất việc thành lập Chính phủ mới trong vòng 2 tuần tới. Theo Taliban, đó sẽ là một Chính phủ bao trùm, với sự tham gia của các thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, dư luận vẫn tỏ ra hoài nghi về tương lai của đất nước Afghanistan dưới chế độ Taliban.
Trả lời phỏng vấn VOV, nhà nghiên cứu Manoj Joshi, chuyên gia về chính trị quốc tế tại Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF), Ấn Độ cho rằng cho tới giờ chưa ai có thể chắc chắn về hình thức của chính phủ mà Taliban sẽ thiết lập. Có tin đồn là họ có thể xây dựng giống như mô hình tổ chức bộ máy tại Iran. Họ sẽ có Ameer ul Momimeen, một lãnh tụ tối cao của đất nước. Phía dưới sẽ có một hình thức giống như hội đồng giám hộ. Và tiếp đó có thể là các đại diện được bầu ra. Một nhóm các lãnh đạo Hồi giáo sẽ chi phối chính quyền và Ameer ul Momimeen sẽ là tư lệnh tối cao của lực lượng vũ trang. Hình thức này giống như cách tổ chức chính quyền của Iran. Đó là một khả năng cần được cân nhắc.
“Tuy nhiên, về cơ bản Afghanistan vẫn là một quốc gia khá phân quyền, có rất nhiều khác biệt giữa các bộ tộc, và cả sự trung thành của các bộ lạc. Bởi thế chúng ta phải đợi và xem xem hình thức của chính phủ sẽ ra sao. Chúng ta đều biết người Pashtun chiếm đa số, nhưng người Tajiks và Hazaras và nhiềm nhóm bộ tộc khác chiếm từ 35- 40% dân số. Bởi thế đây sẽ là nguồn gốc của vấn đề trong tương lai”, chuyên gia Manoj Joshi nhận định.
Theo ông, điều chắc chắn là Taliban sẽ là bên chiếm đa số quyết định, bởi họ đã tự thiết lập vị trí của mình với thắng lợi về quân sự.
Phóng viên: Ông nghĩ ra sao về sự tham gia của các chính trị gia kỳ cựu tại Afghanistan như cựu Tổng thống Hamid Karzai và Chủ tịch Hội đồng Tối cao Hòa giải Quốc gia Abdullah Abdullah trong một hội đồng điều hành như vậy?
Chuyên gia Manoj Joshi: Các báo cáo mới nhất cho thấy cả hai nhân vật này đều gần như bị quản thúc tại gia. Thực sự họ đang ở trong tình trạng giam lỏng. Tôi không chắc, bởi bạn biết đấy, nếu họ có được tham gia vào Chính phủ, họ cũng sẽ chẳng có mấy vai trò. Sự hiện diện của họ chỉ mang tính hình thức thôi. Bởi vì vấn đề tình thế, như quá trình sắp xếp nhân sự trước đó diễn ra qua quá trình đàm phán, họ cũng có thể có vai trò lớn. Nhưng tới nay, Taliban đang thiết lập chính phủ với một thực tế là họ đã thiết lập được vị trí về mặt quân sự tại Afghanistan. Họ đã đánh bại bất cứ đối thủ nào.
Taliban là người chiến thắng. Bởi thế, nếu như có sự xuất hiện của đại diện của các phe cánh chính trị như Karzai, Abdullah Abdullah, vai trò của họ chỉ có ý nghĩa đại diện. Tôi không nghĩ sự hiện diện này có tính chất đa số. Trong một số trường hợp, một số người như Karzai, ông ấy xuất thân từ một bộ tộc thiểu số người Pashtun. Nên với cách nhìn với các bộ tộc, ông ấy không có vai trò quan trọng. Abdullah là một người nửa Tajik, nửa Pashtun. Ông ấy có một số mối liên hệ với người Tajik, nhưng hiện tại, nhóm Kháng chiến Tajik chính lại đang cố thủ ở Thung lũng Panjshir. Điều đó dẫn tới một số tính toán khác của Taliban.
IS đang cố chứng tỏ “chống Mỹ” mạnh hơn Taliban
Phóng viên: An ninh và bất ổn, khủng bố và nội chiến với các phong trào chống Taliban trong những năm qua đã dần trở thành hiện thực. Hai vụ nổ bom tuần qua là bằng chứng . Ông bình luận như thế nào về viễn cảnh này? Khi nào thì Taliban có thể kiểm soát được đất nước?
Chuyên gia Manoj Joshi: Hiện tại, tôi tin rằng, Taliban đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng nổi dậy tại thung lũng Panjshir. Nhưng các bạn biết đấy, Panjshir là thung lũng hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài và Taliban đã kiểm soát hoàn toàn khu vực bao quanh. Nếu đánh giá về khả năng cơ động, tiếp vận, lực lượng tại đây không có khả năng chiến thắng Taliban.
Những năm 1990, khi Ahmad Shah Masoud nổi lên tại đây, họ có được sự hậu thuẫn hỗ trợ lớn của Liên minh phương Bắc. Còn ngày nay chẳng có một chỗ dựa nào như vậy cả. Toàn bộ lãnh thổ của Liên minh phương Bắc đã sụp đổ hoàn toàn. Ví dụ, thủ lĩnh Dostum đã chạy khỏi Afghanistan. Kết hợp với việc các khoản hỗ trợ mà Ahmad Shah Masoud và Liên minh phương Bắc từng nhận được thập niên 1990 từ Iran, Nga, Ấn Độ. Nhưng giờ thì Iran và Nga đều đã có quan hệ với Taliban. Nên không có vẻ gì là họ sẽ hỗ trợ lực lượng ở Panjshir. Tôi không thấy điều đó vào lúc này. Có thể sau này, bạn sẽ tận mắt thấy vấn đề nảy sinh, nhưng vào thời điểm này, tôi nghĩ rằng Taliban đang nắm quyền lực tối thượng tại Afghanistan.
Chúng ta thấy hiện tại, đã nhen nhóm xuất hiện những dấu hiệu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Chúng ta chưa biết được nhiều về sự hiện diện của IS tới đâu và khả năng bám rễ của chúng. Đây là điều vẫn nằm ngoài tầm của hầu hết chúng ta. Nhưng tôi suy luận rằng IS có thể đang hiện diện rất mạnh ở phía Đông tỉnh Panjshir, vị trí của tỉnh Kunar, giáp biên giới Pakistan.
Phóng viên: Ông nghĩ sao về khả năng IS nắm lấy cơ hội này để biến Afghanistan trở thành thiên đường cho các chiến dịch của chúng?
Chuyên gia Manoj Joshi: Bạn biết đấy, điều quan trọng nhất là chiến lược hoạt động hàng đầu của IS là chỉ tập trung vào Afghanistan mà thôi. Trong quá khứ, Afghanistan từng là thiên đường cho các tổ chức như al Qaeda, những tổ chức về cơ bản cố gắng thay đổi xã hội tại các quốc gia Arab, cũng như cố tấn công vào nước Mỹ. Nhưng tôi không chắc lắm về khả năng IS muốn xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố sang các nước khác. Tôi nghĩ vào thời điểm này, IS sẽ tập trung vào việc thiết lập cái gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan trên lãnh thổ một số quốc gia trong khu vực. Chúng đã có mặt tại đây. Tôi nghĩ, trong cách nhìn của chúng, khu vực này sẽ là nơi chúng sẽ phải chiến đấu trong cuộc chiến sống còn.
Phóng viên: Ý ông là IS có thể là mối đe dọa với vai trò lãnh đạo đất nước của Taliban trong tương lai gần?
Chuyên gia Manoj Joshi: Vâng, chắc chắn với tư cách là một tổ chức, một tổ chức khủng bố, Taliban rất hạn chế về khả năng truyền bá, phổ biến. IS đang cố gắng cho thấy họ mới là bên đang tấn công Mỹ chứ không phải Taliban. Taliban đang hợp tác với Mỹ để đưa quân đội nước ngoài ra khỏi Afghanistan. Và vì thế IS mới là nhóm đang chiến đấu với Mỹ. Với hành động của mình, IS cố cho thấy họ đang ‘chống Mỹ’ mạnh hơn Taliban. Tôi nghĩ IS đang có những kế hoạch rất nguy hiểm. Bởi như tôi đã nói, chúng có căn cứ rất mạnh tại tỉnh giáp Pakistan, và như thế chúng có khả năng tạo ra bất ổn rất lớn ở Pakistan lẫn cả ở Afghanistan.
Thỏa thuận với Mỹ không giúp Taliban đáng tin hơn
Phóng viên: Taliban đã có một thỏa thuận hòa bình với Mỹ, và đó có thể coi là bằng chứng rằng họ đáng được tin tưởng. Tuy nhiên người ta vẫn nghi ngờ vào khả năng thay đổi của nhóm này. Ông nghĩ sao về tương lai vận hành đất nước của Taliban?
Chuyên gia Manoj Joshi: Điều này phụ thuộc vào việc Taliban có thể thiết lập quyền lực chính trị như thế nào, và nếu họ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công, phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số, và cả sự đàn áp phụ nữ, nếu họ có thể tiết chế lời nói và hành động. Cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ không bằng lòng nếu họ trở lại với kiểu cai trị cũ khi bóp chết hoàn toàn các quyền của phụ nữ, tấn công tổng lực nhằm vào các nhóm bộ tộc thiểu số Hazara… Bởi vậy, nếu điều đó xảy ra, cộng đồng quốc tế sẽ quay lưng lại với Taliban và Taliban sẽ thấy mình gặp vấn đề. Mỹ có đủ quyền lực để phong tỏa toàn bộ các khoản viện trợ tài chính cho Taliban và nếu họ áp đặt trừng phạt, nó sẽ gây ra những hậu quả thực sự. Ví dụ như khi Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm vào Iran. Nếu Afghanistan phải đối mặt với các lệnh trừng phạt như thế, đó là vấn đề lớn.
Bởi thế tôi nghĩ Taliban đang cố đạt được một số thỏa thuận tới Mỹ và bạn biết đấy, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA tuần trước đã có chuyến đi tới Afghanistan và nói chuyện với Taliban. Hình như Mỹ đang giúp Taliban đối phó với IS và đang cung cấp các thông tin tình báo cho họ để chống lại IS. Mỹ đang chơi một trò chơi mạo hiểm. Một mặt họ đang cố thoát ra khỏi Afghanistan. Mặt khác, họ cố ngăn chặn IS tập hợp sức mạnh sau khi Mỹ rút quân.
Phóng viên: Một giai đoạn mới đã mở ra với việc quân đội Mỹ và NATO rút lui hoàn toàn khỏi Afghanistan. Một số người cho rằng đây là thất bại thảm hại của Mỹ. Nhưng đây cũng sẽ là bài toán hóc búa với bất cứ lực lượng nước ngoài nào nếu muốn bước chân vào Afghanistan thời hậu Mỹ. Ông nghĩ sao về điều này?
Chuyên gia Manoj Joshi: Tôi không nghĩ bất cứ quốc gia nào dám mạo hiểm để đưa quân đội vào Afghanistan. Và nếu họ có đưa vào, họ cũng sẽ bước vào với sự hợp tác cùng chính phủ tại đây. Giờ đây, câu hỏi là chính phủ sắp ra mắt ổn định như thế nào? Và sự ổn định của chính phủ lại phụ thuộc vào lựa chọn của chính nó. Nếu Taliban muốn áp đặt quan điểm cứng rắn vào giải quyết các vấn đề xã hội, vào vấn đề nhân quyền, họ sẽ có thể gặp rắc rối. Nhưng mặt khác, nếu họ sẵn sàng thỏa hiệp ở một số điểm nào đó, tôi nghĩ, họ có thể giúp cho hệ thống vận hành. Bởi nếu so sánh với phiên bản trước đây của mình, Taliban hiện nay đã khôn ngoan và kinh nghiệm hơn. Ví dụ, họ đã tiếp xúc, đối thoại với Iran. Điều này trái ngược trong quá khứ khi Taliban và Iran từng đối đầu với nhau.
Taliban hiện đã tiếp xúc với người Nga, người Trung Quốc, và cả Pakistan nữa. Nếu họ áp dụng các tiếp cận thực dụng này, tôi nghĩ thế giới có thể hợp tác với một Chính phủ Hồi giáo bảo thủ. Tôi không nghĩ thế giới có vấn đề gì ở đây. Họ vẫn hợp tác với Saudi Arabia, mà bạn biết đấy, họ còn bảo thủ hơn. Bởi vậy đó không phải là vấn đề. Vấn đề là thái độ của họ khiến họ ngày càng bị thế giới xa lánh. Ví dụ như thế giới biết được rằng họ hành hung phụ nữ, hoặc họ ngăn phụ nữ được đến trường. Nếu điều đó xảy ra, Taliban sẽ gặp rắc rối.
Tôi nghĩ lãnh đạo Taliban đã nhận ra điều đó. Tôi nghĩ họ sẽ sử dụng các tiếp cận thực dụng. Hiện đang diễn ra rất nhiều cuộc đàm phán ở Afghanistan. Điều này sẽ giúp Mỹ rảnh tay hơn để tập trung vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và mở 1 mặt trận mới tại đây. Quan điểm của tôi là điều này chỉ đúng 1 phần thôi. Nó đúng bởi chiến tranh Iraq và chiến tranh Afghanistan đã khiến nước Mỹ sao lãng nhiều vấn đề khác. Nhưng điểm tôi muốn nhấn mạnh ở đây là bối cảnh rút quân của Mỹ đang rất hỗn loạn. Điều này ảnh hưởng tới hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới. Hình ảnh cường quốc của Mỹ đang sứt mẻ nhiều. Ngay bản thân nội bộ nước Mỹ cũng có rất nhiều ý kiến chỉ trích nhằm vào Tổng thống Biden và Chính quyền, vào tổng thể năng lực của nước Mỹ.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông!./.