Sau khi Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ liên minh thay đổi bao gồm tám đảng, ông Naftali Bennett, lãnh đạo của đảng Yamina đã trở thành Thủ tướng chính phủ luân phiên trước ông Yair Lapid, lãnh đạo đảng Yesh Atid.
Thách thức đầu tiên mà chính phủ mới của Israel phải đối mặt liên quan đến các hồ sơ chính sách kinh tế xã hội. Ông Bennett đang nỗ lực áp dụng các chính sách tự do theo đường lối cứng rắn, tập trung vào việc giải phóng nền kinh tế khỏi những trở ngại tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm thuế và tự do thị trường nhưng chính phủ không cam kết hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng. Những chính sách như vậy sẽ vấp phải sự phản đối đáng kể từ các bên đối tác trong liên minh.
Chẳng hạn như đảng Meretz và đảng Lao động cánh tả kêu gọi nhà nước thúc đẩy phúc lợi, cũng như đảng Yesh Atid - đối tác lớn nhất trong liên minh - chấp nhận lập trường bảo vệ lợi ích của tầng lớp trung lưu, yêu cầu mức thuế cao đối với các nhóm có thu nhập cao hơn và các nhóm lợi ích lớn. Chắc chắn rằng chính phủ của ông Bennett sẽ phải đối mặt với một bài kiểm tra khó khăn khi ngân sách chính phủ được thảo luận tại Quốc hội dù ông Bennett tuyên bố sau khi nhậm chức, sẽ làm việc vì mọi công dân và các ưu tiên sẽ là cải cách giáo dục, y tế.
Chính phủ mới còn phải giải quyết mối quan hệ hay duy trì mối quan hệ Arab - Do Thái bên trong Israel vốn căng thẳng bạo lực trong giai đoạn gần đây. Liên quan đến các chính sách an ninh, ông Bennett từ chối nguyên tắc của giải pháp hai nhà nước trong khi các đảng như Meretz, Lao động chấp nhận nguyên tắc này và muốn giải quyết xung đột với người Palestine.
Thách thức thứ hai là chính sách đối ngoại khi chính phủ mới đối mặt với ba cuộc khủng hoảng lớn đang cận kề. Cuộc khủng hoảng thứ nhất liên quan tới việc Mỹ tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran. Chính phủ của ông Bennett sẽ phải đối mặt với một thử thách khó khăn trong trường hợp Washington quay trở lại thỏa thuận với các điều khoản cũ khi được ký vào năm 2015. Chính phủ mới của Israel không thể mạo hiểm tham gia vào một cuộc đụng độ với đồng minh Mỹ, người bảo đảm chính cho an ninh của họ nhưng lại lo sợ về một cuộc tấn công của phe đối lập Israel hoặc một số đảng liên minh cầm quyền.
Cuộc khủng hoảng thứ hai là sự gia tăng các chiến dịch quốc tế chống lại Israel, trong đó sử dụng Tòa án Hình sự Quốc tế để buộc tội họ với tội ác chiến tranh chống lại người Palestine. Điều này có thể khiến các quan chức Israel trước đây và hiện tại bị bắt khi họ đến thăm bất kỳ quốc gia nào là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế. Ngoài ra, Tòa án Hình sự Quốc tế kêu gọi cô lập Israel và áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước này vì tội ác chống lại người Palestine hiện đang gia tăng.
Cuộc khủng hoảng thứ ba là nỗ lực của Mỹ, Liên minh châu Âu và Ai Cập đang khởi động một tiến trình hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước. Đề xuất này có thể làm nảy sinh các vấn đề trong liên minh cầm quyền và chắc chắn sẽ dẫn đến căng thẳng trong quan hệ của Israel với các bên này.
Thách thức thứ ba là cuộc khủng hoảng của các bên và toàn bộ hệ thống chính trị Israel. Dù mất chức nhưng ông Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục để lật đổ chính phủ do ông Bennett lãnh đạo, mà ông mô tả là cánh tả. Ông Netanyahu vẫn có ảnh hưởng với tư cách là một nhà lãnh đạo cánh hữu sẽ khiến ông Bennett chịu áp lực rất lớn. Ông Netanyahu cũng có thể tận dụng bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào trong tương lai để khẳng định sự thất bại của ông Bennett./.