Là một trong những nước sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, Nga mới đây tuyên bố sẽ tiêu hủy tất cả kho vũ khí này trước ngày 31/12/2015. Mặc dù tiến trình này chậm hơn so với quy định trong Công ước Cấm phổ biến vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc nhưng đây vẫn được coi là một nỗ lực lớn của Nga vì mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế là xây dựng một thế giới không có vũ khí hóa học.

Trong bối cảnh thế giới gia tăng bất ổn do các cuộc chiến tranh, xung đột, việc cắt giảm và tiêu hủy các loại vũ khí nói chung và vũ khí hóa học nói riêng là một mục tiêu quan trọng cho hòa bình và an ninh thế giới.

Nga-vu-khi-hoa-hoc.jpg

Công tác tiêu hủy kho vũ khí hóa học vẫn đang được tiếp tục tại Nga (Ảnh: AFP)

Nga đã tiêu hủy trên 26.000 tấn vũ khí hóa học

Nga là một trong số các quốc gia sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới với 40.000 tấn từ thời Liên Xô trước đây và trong thời Chiến tranh Lạnh. Trong 15 năm, Nga đã tiêu hủy 2/3 trong số đó.

Theo Cơ quan liên bang Nga về lưu trữ an toàn và tiêu hủy vũ khí hóa học, đến giữa tháng 8/2012, Nga đã tiêu hủy trên 26.000 tấn vũ khí hóa học, chiếm hơn 65% trong tổng số kho vũ khí hóa học. Số lượng còn lại sẽ được tiêu hủy trước ngày 31/12/2015. Cùng với thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân, tuyên bố này của Nga là một trong những nỗ lực nhằm hướng đến một thế giới không có vũ khí hóa học.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã và đang có chương trình tiêu hủy vũ khí hóa học như Mỹ, Ấn Độ, Albania, Libya…. Vũ khí hóa học là loại vũ khí nguy hiểm, là nỗi ám ảnh với những ai đã từng là nạn nhân, thậm chí chỉ biết đến tác hại của nó qua sách vở.

Theo định nghĩa quốc tế, đây là loại vũ khí sử dụng chất hóa học độc tính cao và tác dụng nhanh (thường là chất độc quân sự) gây tổn thương, nguy hại trực tiếp cho người, động vật và cây cỏ. Loại vũ khí này là một trong những loại vũ khí hủy diệt lớn gây chết người hàng loạt. Chỉ cần một giọt nhỏ vũ khí hóa học cũng có thể giết chết một người trưởng thành trong vòng vài phút.

Trên thực tế, loài người đã phải chứng kiến biết bao thiệt hại và sự nguy hiểm của loại vũ khí này. Trong hai cuộc đại chiến thế giới, một loại khí gây ngạt chứa trong chai, trong đạn pháo và đạn cối đã làm 1.360.000 người bị nhiễm độc trong đó có 94.000 người chết.

Tại Ấn Độ, thảm họa xảy ra năm 1984 tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu của Hãng Union Carbide tại thành phố Bhopa do một kho hóa chất phát nổ đã khiến cho 20.000 người chết và hàng vạn người khác bị thương, hậu quả đến nay chưa khắc phục được.

Ngay trên đất nước ta, trong thời kỳ chiến tranh, Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí hóa học đặc biệt là chất độc da cam gây hậu quả nặng nề đến tận ngày nay.

Không ai có thể phủ nhận về tính chất nguy hiểm khủng khiếp của loại vũ khí này. Chính vì vậy, năm 1997, Công ước về vũ khí hóa học đã ra đời. Đây được coi là văn kiện đa phương đầu tiên nghiêm cấm hoàn toàn các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Công ước quy định cấm các quốc gia thành viên phát triển, sản xuất, dự trữ, chuyển nhượng và sử dụng vũ khí hóa học. 188 quốc gia tham gia ký kết Công ước lên kế hoạch tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học trên toàn thế giới.

Xây dựng một thế giới không có vũ khí hóa học

Kể từ khi Công ước Cấm vũ khí hóa học có hiệu lực, cộng đồng quốc tế đã có nhiều tiến triển trong việc xây dựng một thế giới không có vũ khí hóa học. Nhưng việc thực hiện đầy đủ công ước này vẫn còn là một thách thức.  Chiến tranh, xung đột, khủng bố diễn ra hàng ngày khiến nỗi lo một cuộc chiến tranh hóa học ngày càng gia tăng. 

Thời gian gần đây, cả thế giới lại “thấp thỏm” với kho vũ khí hóa học của Syria – nước chưa tham gia Công ước Cấm vũ khí hóa học quốc tế và không ai có thể đoán biết kho vũ khí ấy lớn đến nhường nào và tiên tiến đến đâu. Chỉ biết rằng, một khi kho vũ khí này rơi vào tay lực lượng khủng bố, hậu quả của nó sẽ là khôn lường. Khó có thể biết được, sẽ còn bao nhiêu quốc gia như Syria sẵn sàng công khai đe dọa dùng vũ khí hóa học nếu bị “tấn công”.

Rõ ràng, chỉ vì lợi nhuận kinh tế, vì chạy đua vũ trang giữa các quốc gia, cả thế giới phải đối mặt với mối đe dọa hủy diệt. Hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế nhận thức rõ rằng, chỉ có tiêu hủy các loại vũ khí còn tàng trữ và ngăn chặn phát triển các loại vũ khí mới thì mới có thể ngăn chặn nguy cơ vi phạm các quyền con người, thúc đẩy trật tự quốc tế bình đẳng và dân chủ. "Bài học" của các nước Trung Đông, châu Phi cũng như nhiều nước ở các khu vực khác trên thế giới cho thấy, nếu thế giới vẫn còn các loại vũ khí hủy diệt, thì tình trạng bạo lực vũ trang và chiến tranh không những không chấm dứt mà còn gia tăng do sự tiếp sức của các phi vụ buôn bán bất hợp pháp và chuyển giao vũ khí vô trách nhiệm./.