Tên lửa Trung Quốc sắp mất kiểm soát và dự kiến rơi xuống khí quyền Trái Đất vào cuối tuần này. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại chưa từng thấy.

Tuy nhiên, từ trước tới nay, đã có rất nhiều lần các mảnh vỡ từ trên không gian rơi xuống Trái Đất, trong đó có 1 sự kiện xảy ra vào năm 2020.

Tin tốt là các mảnh vỡ rơi xuống Trái Đất thường ít đe dọa tới sự an toàn của con người. Như Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn tại Đại học Harvard nói với CNN: “Điều đó không phải là ngày tận thế”.

Dù vậy, vấn đề vẫn làm dấy lên những câu hỏi liên quan về các mảnh vỡ ngoài không gian, việc chúng rơi xuống Trái Đất một cách không thể kiểm soát và cần phải có những biện pháp đề phòng như thế nào khi điều đó xảy ra?

Từng có nhiều lần mảnh vỡ ngoài không gian rơi trở lại Trái Đất

Hầu hết các mảnh vỡ sẽ bị đốt cháy trong bầu khí quyển trước khi có cơ hội gây ra bất cứ tác động nào trên bề mặt Trái Đất. Tuy nhiên, một số vật thể lớn, như tên lửa, có thể vẫn còn nguyên vẹn khi trở lại Trái Đất và cũng có khả năng rơi xuống các khu vực đông dân cư.

Năm 2020, một trong những mảnh vỡ lớn nhất ngoài không gian đã bay qua bầu trời Los Angeles và Công viên Trung tâm ở thành phố New York trước khi rơi xuống Đại Tây Dương.

Đây là một lõi rỗng từ tên lửa của Trung Quốc, nặng gần 20 tấn, là mảnh rác lớn nhất ngoài không gian mất kiểm soát khi rơi trở lại Trái Đất kể từ năm 1991 và là mảnh lớn thứ 4 từ trước tới nay.

Các mảnh khác lớn hơn là từ trạm vũ trụ Skylab của NASA năm 1979, lõi tên lửa của Skylab năm 1975 và trạm vũ trụ Salyut 7 của Liên Xô năm 1991. Tàu con thoi Columbia từ năm 2003 cũng có thể được đưa vào danh sách này do NASA đã mất kiểm soát đối với con tàu khi nó trở lại Trái Đất.

Có bao nhiêu mảnh vỡ đang trôi nổi trong không gian?

Câu trả lời là rất nhiều.

Phía trên chúng ta có một “đám mây” hơn 9.000 tấn các mảnh rác không gian – tương đương với trọng lượng của 720 chiếc xe buýt chuyên chở học sinh.

Đám mây này chứa tới hàng trăm nghìn – thậm chí có thể hàng triệu – các vật thể bay xung quanh quỹ đạo một cách không thể kiểm soát, trong đó có các động cơ đẩy tên lửa đã qua sử dụng, các vệ tinh chết và các mảnh vỡ từ các tên lửa chống vệ tinh của quân đội.

Các mảnh rác này tập trung khá dày đặc ở các khu vực quỹ đạo gần bề mặt Trái Đất nhất. Và dù nó không dấy lên mối đe dọa đáng kể đối với con người trên mặt đất, thì nó vẫn đe dọa với nhiều vệ tinh đang hoạt động có vai trò cung cấp một số dịch vụ như theo dõi thời tiết nghiên cứu khí hậu Trái Đất và cung cấp dịch vụ viễn thông.

Các mảnh vỡ này cũng đe dọa Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS). Trạm ISS đã phải điều chỉnh quỹ đạo nhiều lần hồi năm ngoái do các mảnh vỡ không gian.

“Cách đây vài năm, chúng ta có khoảng 1.000 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo, nhưng giờ chúng ta đã có tới 4.000 vệ tinh”, McDowell nói.

Vấn đề phức tạp là ở chỗ các chuyên gia về giao thông không gian lại không có một bản đồ chính xác đầy đủ về các vật thể đang quay quanh quỹ đạo Trái Đất.

Các vụ va chạm tiềm tàng đang được theo dõi nhờ vào các thiết bị theo dõi của chính phủ hoặc tư nhân trên mặt đất, nhưng quá trình này phần lớn vẫn chỉ mang tính dự đoán.

Khi nào tên lửa Trung Quốc trở lại Trái Đất?

Tên lửa Long March 5B dự kiến sẽ trở lại khí quyển Trái Đất vào khoảng ngày 8/5, theo tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mike Howard. Hiện Bộ tư lệnh không gian đang theo dõi đường đi của tên lửa này.

Theo ông Howard, điểm trở lại khí quyển Trái Đất của tên lửa Trung Quốc chỉ có thể xác định chính xác khoảng vài giờ trước khó bắt đầu rơi trở lại Trái Đất. Tuy nhiên, Đơn vị kiểm soát không gian 18 sẽ cập nhật thông tin chính xác về vị trí của tên lửa qua trang web Space Track.

Nhà vật lý thiên văn McDowell giải thích rằng, việc xác định nơi mảnh vỡ có thể rơi xuống Trái Đất gần như là bất khả thi ở thời điểm này vì tốc độ di chuyển của tên lửa có thể thay đổi và chỉ với 1 thay đổi rất nhỏ thôi cũng đủ để làm thay đổi rất nhiều đối với hướng đi của tên lửa.

“Chúng tôi dự kiến nó sẽ trở lại vào khoảng ngày 8-10/5. Trong thời gian 2 ngày đó, nó sẽ di chuyển quanh Trái Đất khoảng 30 lần và với tốc độ khoảng 18.000km/h”, theo ông McDowell.

Dù vậy các đại dương vẫn là nơi an toàn nhất để các mảnh vỡ hạ cánh, vì nó chiếm phần lớn bề mặt Trái Đất.

Mọi người có cần đề phòng?

Theo ông McDowell thì không cần phải đề phòng điều gì.

“Rủi ro nó sẽ gây ra thiệt hại nào đó hoặc rơi trúng ai đó là rất nhỏ. Điều đó vẫn có thể xảy ra, nhưng nguy cơ nó rơi trúng phải bạn là vô cùng nhỏ. Tôi sẽ chẳng để phí 1 giây nào để lo nghĩ về điều đó. Vì vẫn còn nhiều điều khác lớn hơn phải lo nghĩ đến”, ông McDowell nói./.