Chưa vội gia tăng trừng phạt
Bộ Ngoại giao Mỹ trong một báo cáo gửi tới Quốc hội hôm 19/2 đã không nêu tên các công ty mới là mục tiêu của lệnh trừng phạt liên quan đến dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức.
Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã chỉ trích Bộ Ngoại giao Mỹ về báo cáo trên, vốn được Quốc hội yêu cầu mà theo đó cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều yêu cầu một lời giải thích rõ ràng về lập trường của chính quyền Mỹ mới về vấn đề này.
Trước sự thúc ép của Quốc hội Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump đã ký ban hành luật vào năm 2019 và 2020 nhằm ngăn chặn việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 trong hơn 1 năm cho tới khi việc thi công được nối lại vào đầu tháng này. Chính quyền Tổng thống Biden đã gọi dự án này là "một thỏa thuận tồi" nhưng Dòng chảy phương Bắc 2 đang trở thành nguồn cơn gây căng thẳng giữa chính quyền mới và một liên minh lưỡng đảng trong Quốc hội nhằm chấm dứt dự án này.
Báo cáo trên của Bộ Ngoại giao được kỳ vọng sẽ liệt kê một loạt các công ty tham gia vào việc xây dựng dự án trên và vì thế sẽ trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, thay vào đó, Bộ Ngoại giao chỉ nêu tên 2 thực thể từng bị trừng phạt dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, một tàu lắp đặt đường ống chính và chủ sỡ hữu của nó, cùng với 18 công ty khác, chủ yếu là các công ty bảo hiểm, hiện đã hoặc đang rời dự án.
Việc không nêu ra các mục tiêu mới của lệnh trừng phạt đối với các bên liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ cho phép dự án này tiếp tục, trong khi giúp chính quyền ông Biden có thêm thời gian để thảo luận với Đức, cũng như định hình chính sách về dự án này.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi một báo cáo tới Quốc hội hôm 19/2 nhưng không công khai nó hoặc trả lời các câu hỏi liên quan đến báo cáo này. Đức hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Phản ứng của lưỡng đảng Mỹ
Thượng nghị sĩ Jim Risch, một quan chức cấp cao của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã gọi báo cáo này là một định hướng sai lầm.
"Các thông tin theo dõi hàng hải cho thấy các tàu không nằm trong báo cáo ngày hôm nay hiện vẫn đang hoạt động để hỗ trợ việc thi công Dòng chảy phương Bắc 2. Quyết định của chính quyền Tổng thống Biden đã phớt lờ những hoạt động cần một lời giải thích ngay lập tức này".
Đường ống trên nếu được hoàn thành sẽ giúp tập đoàn Gazprom của Nga xuất khẩu khí đốt độc quyền, đồng thời không còn cần tới hệ thống trung chuyển ở Ukraine tồn tại hàng thập kỷ trước đó để vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu nữa.
Các nghị sĩ Mỹ lo ngại rằng Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ tăng cường ảnh hưởng của Nga với thị trường năng lượng châu Âu, đồng thời chấm dứt những ảnh hưởng về địa chính trị của Ukraine với Nga, cũng như thúc đẩy vị thế của Moscow trên khắp lục địa này. Đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành hơn 90% với đoạn đường ống cần thi công còn lại là hơn 160km.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19/2 cũng dẫn ra cam kết của Đức với dự án trên, đồng thời bác bỏ khả năng Mỹ trừng phạt dự án này, vốn bị xem là "một cuộc tấn công vào Đức và chủ quyền của châu Âu". Chính phủ Đức, với nhu cầu sử dụng năng lượng trong nước, đã coi Nga là một nhà cung cấp khí đốt quan trọng.
Chính quyền Tổng thống Biden hiện đang tăng cường cải thiện quan hệ với Đức, một đồng minh châu Âu quan trọng sau những căng thẳng dưới thời chính quyền Tổng thống Trump do thái độ hoài nghi NATO và đe dọa áp thuế lên hàng hóa Đức.
Cựu Tổng thống Trump đã công khai phản đối dự án trên, hối thúc Berlin dừng việc thi công đường ống này hoặc nếu không, sẽ phải "trả giá" bằng một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Các quan chức Đức và Nga đều khẳng định Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ thuần túy là một dự án thương mại nhằm thúc đẩy an ninh năng lượng châu Âu.
Món quà cho Nga?
Tới nay, chính quyền ông Biden đã tổ chức một số cuộc trao đổi với Đức về tương lai của đường ống trên, trong đó có "những đe dọa về các lệnh trừng phạt nhằm chống lại các công ty liên quan đến việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2", một quan chức Đức cho hay.
Trong một thông báo hôm 20/2, Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen của đảng Dân chủ, một người ủng hộ dự luật trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2 cho biết, luật này sẽ "thiết lập cơ sở cho những hành động thực tế nhằm ngăn chặn việc thi công đường ống này mà không cần thiết làm tổn hại đến quan hệ xuyên Đại Tây Dương".
"Tôi mong đợi được nghe chính quyền ông Biden công bố những bước đi bổ sung để chúng ta có thể dừng mối đe dọa từ việc thi công đường ống Dòng chảy phương Bắc 2", bà Shaheen cho hay.
Tổng thống Biden hiện vẫn chưa có một chính sách cụ thể về Dòng chảy phương Bắc 2.
"Chúng tôi khẳng định rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một thỏa thuận tồi và các công ty liên quan đến dự án này có nguy cơ đối mặt với các lệnh trừng phạt", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay hôm 19/2 trước khi báo cáo trên được công bố, đồng thời khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi trong việc này là củng cố an ninh năng lượng châu Âu và chống lại những hành vi gây hấn".
Việc nối lại thi công đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 diễn ra ngày 6/2 khiến các bên liên quan đối mặt với lệnh trừng phạt bắt buộc nhưng chính quyền Mỹ mới vẫn chưa thực hiện điều này. Chính quyền Tổng thống Biden có thể miễn trừ trừng phạt theo điều khoản vì lợi ích quốc gia trong một đạo luật năm 2020.
Gọi bản báo cáo hôm 19/2 là một "món quà cho Nga", Thượng nghị sĩ Risch đã viết một bản tham luận cho rằng chính quyền ông Biden đã "đi ngược" với quyết định của chính mình và chính quyền Mỹ mới hiện đã tin rằng "việc cho phép thi công Dòng chảy phương Bắc 2 là một ý tưởng tốt"./.