Xã hội Mỹ phân chia thành một số nhóm theo sắc tộc, tôn giáo và nhân khẩu học với các quan điểm chính trị rất khác nhau. Các nhóm cử tri nào ủng hộ ứng cử viên nào?
Người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới vào ngày 8/11 |
Phụ nữ
Các cử tri nữ trở thành một trở ngại lớn đối với ứng viên Cộng hoà Donald Trump kể từ khi tỉ phú này bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình. Ông Trump đang mất điểm trong con mắt các cử tri nữ. Ông ta chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình vì những tai tiếng do chính mình gây ra.
Ông Trump đã từng lăng mạ phụ nữ trong các lần trả lời phỏng vấn và trên mạng xã hội Twitter, liên tục chê bai họ là béo, xấu và thậm chí còn đưa ra những lời bình luận nhạo báng về chu kỳ kinh nguyệt của một nhà báo nữ.
Một đoạn video về cảnh ông Trump sàm sỡ phụ nữ chỉ càng làm cho tình hình tồi tệ hơn. Ngay sau đoạn video được đăng tải, ứng viên Cộng hoà đã mất đi sự ủng hộ ngay của chính các đảng viên nữ thuộc Đảng Cộng hoà thường vốn trung thành với đảng của mình.
Thêm vào đó, những vấn đề liên quan đến phụ nữ hoàn toàn vắng bóng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Điều này hoàn toàn đối lập với ứng viên Dân chủ Hillary Clinton.
Chiến dịch tranh cử của bà Clinton đề cao những vấn đề như trả lương bình đẳng, các quyền liên quan đến việc sinh nở và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho phụ nữ cân bằng công việc gia đình và sự nghiệp như là những điểm nổi bật trong cương lĩnh chính trị của mình.
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Mỹ sẽ không thể lôi kéo được các cử tri nam với những vấn đề này. Ông Trump chiếm ưu thế so với bà Clinton trong việc giành số phiếu ủng hộ từ các cử tri nam.
Tầng lớp lao động là người da trắng
Những người da trắng không có bằng cấp chính là nhóm cử tri chính của ông Donald Trump. Nhóm này đặc biệt chịu thiệt hại nặng nề bởi việc mất các việc làm trong ngành chế tạo tại Mỹ.
Đó chính là lý do tại sao khẩu ngữ "Make America Great Again” (Đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại) mà chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump đưa ra có ý nghĩa đặc biệt với họ.
Những lời hứa của ông Trump sẽ đem việc làm từ Trung Quốc trở về Mỹ được tầng lớp này ưa thích cũng như những lời hùng biện về việc phản đối thương mại tự do và nhập cư.
Trong con mắt của những người ủng hộ của mình, ông Trump là người phản chính trị, dám nói những gì mình suy nghĩ mà không cần quan tâm về chuẩn mực chính trị. Bà Hillary Clinton có một thời gian khó khăn với nhóm cử tri này. Đối với họ, bà chỉ là hiện thân của bè phái Washington.
Những người da đen
Những người Mỹ gốc Phi thường bỏ phiếu cho người thuộc Đảng Dân chủ và bà Clinton có thể trông cậy vào sự ủng hộ của nhóm cử tri này trong năm nay.
Vấn đề duy nhất là liệu bà Clinton có thể thúc đẩy được người da đen đi bỏ phiếu. Năm 2012, khoảng 66% cử tri người Mỹ gốc Phi đi bầu cử và 95% trong số họ bỏ phiếu cho ông Barack Obama trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên trên đất Mỹ.
Bà Clinton sẽ khó có thể giành được con số ủng hộ cao như vậy. Với những lời bình luận mang tính phân biệt chủng tộc, ông Trump đặc biệt không được ưa chuộng trong nhóm các cử tri da đen. Theo cuộc thăm dò ý kiến do hãng tin NBC tiến hành vào tháng 7 năm nay, chỉ có 6% các cử tri da đen được hỏi ý kiến nói sẽ ủng hộ ông Trump.
Trong cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành gần đây tại bang Ohio, 100% cử tri da đen cho biết họ có thể sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton.
Nhóm người mang quốc tịch Mỹ song có tiếng mẹ đẻ là Tây Ban Nha
Không có nhóm sắc tộc nào tại Mỹ lại lớn mạnh nhanh như nhóm người Mỹ có gốc rễ châu Mỹ Latin. Bốn năm trước, họ ồ ạt bỏ phiếu cho Tổng thống Obama. Những tuyên bố xúc xiểm về người Mexico và ý đồ xây dựng một tường chắn giữa biên giới của Mỹ giáp Mexcio của ông Trump có thể có lợi cho bà Clinton. Song bà Clinton phải vận động được nhóm cử tri tiềm năng này. Năm 2012, chỉ 48% các cử tri gốc châu Mỹ Latin đăng ký đi bỏ phiếu.
Những người Cơ đốc giáo/Tin lành
Thông thường, các đảng viên đảng Cộng hoà tin tưởng sẽ giành được lá phiếu của những người Cơ đốc giáo/Tin lành. Song lần này khả năng này chưa có gì là chắc chắn.
Dường như ông Trump có thể đã đánh mất một cơ số phiếu ủng hộ trong nhóm cử tri này vì những lời bình luận thô thiển của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người Cơ đốc giáo bảo thủ sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton.
Nhiều người trong số này ghét bà Clinton hơn ma quỷ ghét nước thánh. Có nhiều khả năng là nhiều cử tri trong nhóm này sẽ đơn giản chỉ ở nhà vào ngày thứ 3 (8/11) hoặc thậm chí cuối cùng sẽ vẫn bỏ phiếu cho ông Trump.
Millennials - Thế hệ đầu tiên của xã hội kỹ thuật số
Các thanh niên Mỹ, những người sinh ra trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1990, là nòng cốt chính trong các chiến dịch vận động tranh cử năm 2008 và 2012 của Tổng thống Obama. Nhóm cử tri này có thể cũng sẽ là nhóm quyết định trong cuộc bầu cử ngày 8/11.
Bà Clinton rõ ràng dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến đối với nhóm các cử tri trong độ tuổi từ 18 đến 35. Song cựu Ngoại trưởng Mỹ chưa hẳn đã được nhóm Millennials mến mộ. Nhiều người trong số này đã ủng hộ đối thủ một thời của bà Clinton, ông Bernie Sanders, trong các cuộc tuyển lựa ứng viên Đảng Dân chủ.
So với ông Trump, nhiều thanh niên Mỹ đơn giản nhìn nhận bà Clinton là người ít tai hại hơn trong hai người xấu. Trong cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành tại trường đại học Taft, khoảng 40% người ủng hộ bà Clinton thừa nhận rằng họ không hoàn toàn tin tưởng vào ứng viên Đảng Dân chủ. Do vậy, nếu muốn chiến thắng bà Clinton cần phải chinh phục được nhóm cử tri trẻ đầy tiềm năng này./.