Lý do Trung Quốc muốn Trump tiếp tục là Tổng thống
Tổng thống Trump thường xuyên nhận định rằng Trung Quốc muốn ông Joe Biden - ứng viên tranh cử của đảng Dân chủ trở thành Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2020. Hồi tháng 5, nhà lãnh đạo Mỹ đã viết trên Twitter rằng: "Trung Quốc đang thực hiện chiến lược làm sai lệch thông tin trên quy mô lớn bởi họ tha thiết mong Joe Biden "buồn ngủ" giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống để nhờ vậy họ có thể tiếp tục các hành vi gian lận với nước Mỹ như họ đã làm trong hàng thập kỷ, cho đến khi tôi xuất hiện".
Tuy nhiên, thực tế là tại Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc lại nghiêng về việc ủng hộ ông Trump tiếp tục thêm 4 nhiệm kỳ ở Nhà Trắng hơn bởi nhiều lý do khác nhau.
Theo Straits Times, trong một số cuộc trả lời phỏng vấn, 9 quan chức và cựu quan chức Trung Quốc đã thể hiện quan điểm rằng, họ ủng hộ ông Trump tái đắc cử, bất kể trong 4 năm qua, nhà lãnh đạo Mỹ không ít lần đưa ra những cáo buộc mạnh mẽ về Bắc Kinh, từ vấn đề thương mại cho tới đại dịch Covid-19.
Mặc dù một số quan chức này lo ngại rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ leo thang bất kể người giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng là ai nhưng tác động đến kết quả cuộc bầu cử này sẽ dựa trên việc xem xét ai là người chú trọng đến ảnh hưởng về địa chính trị và ai là người quan tâm đến quan hệ thương mại.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden được coi là một thành viên đảng Dân chủ truyền thống với quan điểm thúc đẩy các mối quan hệ đa phương của Mỹ cũng như làm giảm những căng thẳng về thương mại.
"Nếu ông Biden đắc cử, tôi cho rằng điều này sẽ nguy hiểm hơn cho Trung Quốc, bởi ông ấy sẽ hợp tác với các đồng minh để nhắm vào Trung Quốc, trong khi Tổng thống Trump hiện đang phá hủy các liên minh này của Mỹ", Zhou Xiaoming, người từng là nhà đàm phán thương mại của Trung Quốc và là cựu phó đại diện của nước này tại Geneva, Thụy Sĩ nhận xét.
4 cựu quan chức hiện tại trong chính phủ Trung Quốc cũng đồng quan điểm với ông Zhou Xiaoming. Nhiều quan chức trong chính phủ Trung Quốc tin rằng chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới sẽ giúp ích cho Bắc Kinh bằng cách làm suy yếu điều mà họ xem là tài sản lớn nhất của Washington nhằm giám sát tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Sự khác biệt giữa Trump và Biden
Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump đã tạo ra những rạn nứt với các đồng minh của Mỹ sau khi nhà lãnh đạo này áp thuế lên các đối tác thương mại, gây sức ép để đồng minh tăng chi phí quốc phòng, rút khỏi các thỏa thuận đa phương và ủng hộ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, hôm 15/6, người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã bác bỏ ý tưởng về một liên minh xuyên Đại Tây dương chống lại Trung Quốc cũng như từ chối sử dụng cụm từ "kẻ thù có hệ thống" với Bắc Kinh chỉ vài giờ trước khi tiến hành trao đổi với người đồng cấp Mỹ.
"Giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc, 2 trục chính của chính trị toàn cầu leo thang căng thẳng, sức ép "chọn bên" đang ngày càng gia tăng. EU phải có "con đường" của riêng mình trước tất cả những thách thức hiện nay".
Ông Josep Borrell cũng "hạ giọng" khi nói về quan hệ với Trung Quốc: "Mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc không thể tránh khỏi sự phức tạp và đa chiều. Cụm từ "kẻ thù có hệ thống" thu hút rất nhiều sự chú ý, có lẽ tập trung vào phần "kẻ thù" nhiều hơn là phần "có hệ thống" của cách diễn đạt này".
Các quan chức Trung Quốc đã kín đáo thừa nhận rằng chính quyền của một tổng thống đảng Dân chủ sẽ tạo ra thách thức lớn hơn nếu chính quyền này ưu tiên hợp tác với đồng minh để tạo nên một mặt trận thống nhất.
Theo 2 quan chức Trung Quốc, nếu ông Biden trở thành tổng thống, ông sẽ cởi mở hơn ở những lĩnh vực yêu cầu sự hợp tác, chẳng hạn như khôi phục sự tham gia của Mỹ trong thỏa thuận về Biến đổi khí hậu ở Paris từng được đàm phán khi ông là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Obama.
"Ông ấy sẽ ủng hộ sự hợp tác trong những chủ đề như biến đổi khí hậu, cải cách WTO và TPP", Wang Huiyao, cố vấn chính phủ Trung Quốc và là người sáng lập Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa nhận định.
Theo nhà phân tích Janan Ganesh nhận định trên Financial Times, một cuộc Chiến tranh Lạnh không chỉ là cuộc chạy đua tên lửa mà còn là một cuộc cạnh tranh về tầm ảnh hưởng. Nếu thế giới bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Trump không phù hợp để trở thành người chiến thắng. Janan Ganesh cho rằng Trung Quốc sẽ có nhiều điều để mất hơn nếu ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng thay vì ông Trump.
"Quyền lực mềm" là một cụm từ phản ánh về chiến lược ở đây. Nếu ông Biden trở thành tổng thống, những động thái như: tái cam kết với NATO, giảm bớt những xung đột thương mại, tham gia nghiêm túc vào vấn đề biến đổi khí hậu có thể chấm dứt việc châu Âu, Australia và các đồng minh khác trượt khỏi quỹ đạo của Mỹ, chuyên gia này nhận định.
Thực tế không thay đổi trong quan hệ Mỹ - Trung
Dù vậy, nhận định chung của giới chức Trung Quốc là hầu như có rất ít tiến triển có thể đạt được nhằm chấm dứt những căng thẳng hiện nay giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Do đó, Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường phát triển các ngành công nghiệp nội địa cao cấp, mở rộng sang các thị trường đang phát triển cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nước châu Âu và châu Á nhằm đối phó với nỗ lực cô lập của Mỹ.
Một quan chức Trung Quốc nhận định kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ không thay đổi được điều gì bởi mối quan hệ 2 bên sẽ không thể cải thiện. Theo giới chức Bắc Kinh, hy vọng khả quan nhất của họ là mọi thứ sẽ không tiếp tục tồi tệ thêm.
Bên cạnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, phía Trung Quốc cũng quan tâm đến một thực tế rằng quan điểm phản đối Trung Quốc ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ lưỡng đảng Mỹ. Đại dịch Covid-19 với các ca mắc đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến Washington ngày càng có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
"Tôi không nghĩ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ thay đổi quan hệ Mỹ - Trung ở những mặt cơ bản. Một tâm lý ngày càng ăn sâu ở Mỹ là Mỹ nên kiềm chế Trung Quốc. Dù ông Trump hay ông Biden giành chiến thắng thì mọi việc vẫn sẽ tồi tệ hơn", ông Zhou nhận định.
Chính vì thế, mặc dù đảng Cộng hòa có truyền thống tập trung vào mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng Tổng thống Trump đã điều chỉnh chính sách này theo hướng đối đầu nhiều hơn qua việc thách thức Bắc Kinh ở gần như mọi khía cạnh trong quan hệ 2 bên, từ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, cho tới các vấn đề về thương mại, y tế cộng đồng và công nghệ.
Thậm chí ông Biden dù là một người từng ủng hộ chiến lược "tham gia" hợp tác với Trung Quốc trong một thời gian dài cũng thay đổi lập trường cứng rắn hơn trên tư cách là một ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ.
Trong những tháng gần đây, ông Biden đã chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cáo buộc Bắc Kinh theo đuổi những hoạt động thương mại "kiểu săn mồi".
Bất chấp căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, ông Wang Huiyao vẫn cho rằng: "Ngày nay, Trung Quốc ngày càng hiểu rõ hơn về các mục tiêu của Mỹ. Chúng tôi vẫn chưa đạt đến thời khắc đen tối nhất trong mối quan hệ này”./.