Lây nhiễm cộng đồng không kiếm soát
Quốc gia này đang chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 - điều mà một quan chức thuộc Tổ chức Bác sỹ Không biên giới đánh giá là “sự lây nhiễm trong cộng đồng không kiểm soát”. Giới phân tích cho rằng nguyên nhân khiến Myanmar chìm sâu vào cuộc khủng hoảng Covid-19 một phần do cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự ngày 1/2 vừa qua và một phần do hệ thống y tế chưa được chuẩn bị để đối phó với tình huống như vậy.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Worldometers công bố ngày 3/8, tính đến thời điểm hiện tại, Myanmar đã ghi nhận hơn 306.300 ca mắc và hơn 10.000 ca tử vong. Với chỉ 2,8% dân số trên tổng số 54 triệu người dân được tiêm phòng đầy đủ, Liên Hợp Quốc lo ngại Myanmar có nguy cơ thành “quốc gia siêu lây nhiễm Covid-19” và điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể mới.
"Điều này vô cùng nguy hiểm vì nhiều lý do. Khu vực có nguy cơ chịu thêm nhiều thảm cảnh nếu Myanmar trở thành quốc gia siêu lây nhiễm", đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về nhân quyền tại Myanmar Tom Andrews tuần qua lưu ý.
Các tổ chức nhân đạo ngày 2/8 cũng cảnh báo về một “thảm họa nhân đạo đang diễn ra theo vòng xoáy ở Myanmar” khi tình trạng bạo lực leo thang và đại dịch Covid-19ngày càng trở nên tồi tệ.
Bà Laura Marshall - thành viên của Hội đồng người tị nạn Na Uy cho biết: “Các cộng đồng mà chúng tôi làm việc cùng đang tuyệt vọng. Làn sóng Covid-19 thứ 3 đã ập xuống Malaysia, gây ra vết thương mới cho người dân nơi đây. Họ cần sự an toàn và cần được tiếp cận một cách công bằng với viện trợ nhân đạo cũng như dịch vụ y tế”.
Bất ổn chính trị gây khó khăn cho nỗ lực chống dịch
Liên Hợp Quốc cho biết, có rất nhiều yếu tố khiến cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Myanmar ngày càng tồi tệ hơn. Hiện nước này đang thiếu hụt các nhân viên y tế do cuộc đình công phản đối cuộc chính biến hồi tháng 2. Trong khi đó, oxy và các thiết bị y tế khác ngày càng đắt đỏ và thiếu nguồn cung.
Bất ổn chính trị tại Myanmar đã khiến các nỗ lực chống dịch thêm khó khăn. Ít nhất 157 bác sỹ, trong đó có cả người đứng đầu chương trình tiêm chủng của Myanmar đã bị bắt giữ và bị buộc tội phản quốc. Các nhóm dân sự hỗ trợ dịch vụ tang lễ ở Yangon cho biết, họ đang chứng kiến 1.000 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày tại thành phố này và trên toàn quốc con số này có thể cũng lên đến hàng nghìn.
Một yếu tố khác khiến dịch bệnh bùng phát nhanh chóng tại Myanmar là tốc độ xét nghiệm quá chậm. Mỗi ngày chỉ có khoảng 15.000 xét nghiệm Covid-19 được thực hiện ở một quốc gia 54 triệu dân. Tỷ lệ dương tính chiếm 37%, ở mức cao báo động, nghĩa là cứ 1.000 người thì phát hiện hơn 370 người dương tính với SARS-CoV-2.
Theo CNA, các chỉ số cho thấy, tình trạng mất an ninh lương thực và nợ nần tại Myanmar sẽ tăng mạnh trong những tháng tới do giá lương thực gia tăng, tình trạng mất việc làm và đồng nội tệ mất giá. Trong một báo cáo công bố vào tuần này, Ngân hàng Thế giới dự đoán kinh tế Myanmar sẽ giảm 18% trong năm nay. Tỷ lệ người nghèo nhiều khả năng sẽ tăng hơn gấp đôi vào đầu năm 2022, so với năm 2019.
Covid-19 cũng khoét sâu tình trạng bất bình đẳng xã hội tại Myanmar. Người nghèo khó duy trì giãn cách xã hội và ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ y tế, xét nghiệm Covid-19 và điều trị hiệu quả.
Kể từ sau cuộc chính biến, xung đột đã gia tăng trên khắp Myanmar, gây ra những xáo trộn lớn trong đời sống xã hội. Nhiều cuộc đụng độ đã nổ ra giữa các lực lượng vũ trang với người biểu tình, giữa các nhóm phiến quân và các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số với quân đội. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ước tính khoảng 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa từ tháng 2 đến tháng 6, nâng tổng số người phải sơ tán vì bất ổn lên đến hơn 680.000 người. Cơ hội tiếp cận điều trị y tế đối với nhóm này là vô cùng thấp.
Cần sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế
Kể từ sau khi quân đội lên nắm quyền, viện trợ của phương Tây dành cho Myanmar được chuyển hướng thông qua các tổ chức phi chính phủ.
Singapore đã trong tuần này cho biết sẽ gấp rút tài trợ cho Myanmar khoảng 200 máy tạo oxy, tuy vậy quá trình chuyển giao còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, vẫn chưa rõ số phận của gói viện trợ 350 triệu USD mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế gửi tới Myanmar chỉ vài ngày trước cuộc chính biến hồi tháng 2.
Trung Quốc đã cam kết gửi 6 triệu liều vaccine cho Myanmar trước tháng 8, nhưng phải đến tuần vừa qua, lô vaccine đầu tiên mới đến được nước láng giềng. Theo đánh giá, Trung Quốc có thể trở thành nhà tài trợ vaccine tích cực nhất cho Myanmar vì nước này lo ngại về sự bùng phát dịch bệnh dọc biên giới chung giữa hai bên.
Một số quan điểm lạc quan cho rằng, đây có thể là thời điểm cho sự hòa giải và người dân Myanmar có thể đoàn kết để chống lại kẻ thù chung là dịch Covid-19. Song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thật khó để tưởng tượng điều đó xảy ra khi tình hình chính trị tại Myanmar vẫn còn nhiều rối ren./.