Kể từ khi đắc cử năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhấn mạnh xu hướng thân Trung Quốc và rời xa Mỹ của mình. Trong chuyến công du đầu tiên tới Bắc Kinh năm 2016, ông thậm chí thông báo rằng "đã đến lúc nói tạm biệt với Washington". Nhà lãnh đạo Philippines cũng hoan nghênh các thỏa thuận đầu tư trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đe dọa sẽ dừng tập trận chung với Mỹ và gọi Trung Quốc là "người bạn tốt".

Tuy nhiên, trong 1 năm qua, ông Duterte dường như đã thay đổi hẳn thái độ với Trung Quốc khiến Bắc Kinh thất vọng trong nỗ lực kéo Manila khỏi quỹ đạo chiến lược của Washington. Ngày 2/5, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã đăng tải trên Twitter yêu cầu Trung Quốc "cút khỏi" khỏi Biển Đông.

Dòng tweet gay gắt của ông Locsin là dấu hiệu gần đây nhất cho thấy hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đã buộc Manila phải lên tiếng và hành động. Theo nhà quan sát Derek Grossman nhận định trên Foreign Policy, bất chấp những tuyên bố mâu thuẫn, Tổng thống Duterte đã nhận ra rằng, Trung Quốc không phải là bạn và Philippines cần một đồng minh an ninh lâu dài là Mỹ.

Tổng thống Duterte “đổi giọng” với Trung Quốc

Sự thay đổi nhận thức của ông Duterte sẽ là những chỉ dẫn địa chiến lược quan trọng từ bây giờ cho tới cuối nhiệm kỳ của ông vào tháng 6/2022.

Trước đó, căng thẳng giữa Tổng thống Duterte với Mỹ lên đến cao điểm ngày 11/2/2020 khi ông quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) giữa Mỹ và Philippines. Cùng với các thỏa thuận khác, VFA tạo điều kiện để quân đội Mỹ triển khai ở Philippines mà không gặp trở ngại nào nhằm đối phó với các tình thế bất ngờ, bao gồm cả việc chống lại Trung Quốc. Theo các quy định của VFA, thỏa thuận này vẫn có hiệu lực 180 ngày sau khi một trong hai bên đưa ra thông báo hủy bỏ nhằm có thêm thời gian để tái đàm phán. Kể từ khi chấm dứt VFA, Tổng thống Duterte đã 2 lần gia hạn tạm thời thỏa thuận trên vào tháng 6 và tháng 11/2020 để tái khởi động đồng hồ đếm ngược quy trình chấm dứt thỏa thuận.

Tháng 6 năm ngoái, Ngoại trưởng Locsin lần đầu tiên thể hiện sự thay đổi thái độ của Manila khi cho rằng "trong thời kỳ đại dịch và căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc", việc tiếp tục duy trì VFA là một lựa chọn khôn ngoan. Sau đó, ngày 12/7/2020, nhân kỷ niệm 4 năm Tòa trọng tài Quốc tế ra phán quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Philippines đã công khai thừa nhận điều này. Trước đó, chính quyền Tổng thống Duterte thường tránh đề cập trực tiếp đến vấn đề trên để duy trì quan hệ tích cực với Trung Quốc.

Bài phát biểu của ông Duterte ngày 23/9/2020 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là một minh chứng khác cho thấy ông đã thay đổi quan điểm về Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Philippines trực tiếp nêu vấn đề Biển Đông bằng cách dẫn ra phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 "không thể thỏa hiệp", đồng thời khẳng định "chúng tôi bác bỏ mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào phá hoại nó". Đây là sự đối đầu trực tiếp nhất giữa Tổng thống Duterte với Trung Quốc, đồng thời cho thấy lập trường của ông với Bắc Kinh đang ngày càng trở nên cứng rắn.

Sự dịch chuyển về thái độ với Mỹ cũng diễn ra sau đó. Ngày 11/11/2020, Ngoại trưởng Locsin dẫn ra cuộc cạnh tranh nước lớn ở Biển Đông là lý do để hoãn việc hủy VFA. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Philippines cũng ám chỉ việc Manila tin tưởng và đứng về phía Washington khi nhấn mạnh đến "sức mạnh và sự minh bạch" của đồng minh truyền thống này, thay vì nhắc tới Bắc Kinh. Ông Locsin còn khẳng định rằng quyết định hoãn việc hủy VFA "khiến chúng ta có thể tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài, hiệu quả hơn cũng như đem lại lợi ích cho các bên".

Tổng thống Duterte cũng ám chỉ việc thực hiện VFA nhân chuyến thăm Căn cứ không quân Clark ở Tây Bắc Manila ngày 12/2 rằng: "Tình trạng khẩn cấp hiện tại đòi hỏi sự hiện diện của Mỹ ở đây. Tôi không có vấn đề gì về việc đó".

Trong một diễn biến quan trọng khác ngày 2/3. Manila đã ký kết một thỏa thuận với Ấn Độ mua tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Hệ thống BrahMos, do Nga và Ấn Độ phát triển, sẽ giúp Manila có khả năng phòng thủ ban đầu trước Trung Quốc. Trước đó, liên quan đến vấn đề này, Bộ Quốc phòng Philippines cho biết đây là một phần trong chương trình hiện đại hóa nhằm "nâng cao khả năng phòng thủ của chúng tôi".

Sự leo thang căng thẳng gần đây nhất của Tổng thống Duterte với Trung Quốc diễn ra ngày 19/4 khi ông đe dọa Bắc Kinh về các hành động quân sự của nước này trên Biển Đông.

"Tôi sẽ cử những con tàu vỏ xám [tàu quân sự được ngụy trang – ND] tới đây để khẳng định chủ quyền".

Trên thực tế, ông Duterte vẫn giữ hy vọng rằng Manila có thể duy trì quan hệ hòa bình với Trung Quốc. Ông đặc biệt quan tâm đến sự hỗ trợ đầu tư và cơ sở hạ tầng qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Bắc Kinh kể từ khi ông Duterte bắt đầu trở thành Tổng thống cho tới những diễn biến trong 2 năm qua đã khiến nhà lãnh đạo Philippines buộc phải công khai thừa nhận việc Trung Quốc là một vấn đề và Mỹ là một đồng minh giá trị.

Thái độ của Trung Quốc khiến Philippine phải nghĩ lại về mối quan hệ

Những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Tổng thống Duterte gần như không thể thúc đẩy các chương trình nghị sự thân Trung - chống Mỹ của mình. Tháng 2/2020, chỉ vài ngày sau khi ông Duterte tuyên bố hủy VFA, một tàu của hải quân Trung Quốc đã tiến hành động thái mà quân đội Philippines gọi là "hành vi thù địch", nhằm vào một tàu hải quân Philippines đang tuần tra trên Biển Đông.

Tháng 1/2021, Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới. Luật này cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) Trung Quốc thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết, trong đó có việc sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền của nước ngoài khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm. Đầu tháng 3, Trung Quốc triển khai hàng trăm tàu tới Đá Ba Đầu (thuộc cụm đảo Sinh Tồn ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - ND). Căng thẳng gần đây chỉ thực sự hạ nhiệt sau khi các tàu cá này của Trung Quốc rời đi.

Những hành động gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Tổng thống Duterte cho phép Ngoại trưởng Philippines nhiều lần trình công hàm ngoại giao nhằm phản đối các động thái này. Ông Duterte cũng tán thành lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nhằm duy trì quan hệ thân thiết với quân đội Mỹ qua các cuộc tập trận như tập trận Balikatan thường niên và tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh này.

Ngoài ra, các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc khiến ông Duterte khó vượt qua rào cản là tâm lý chống Trung Quốc từ chính người dân Philippines, cũng như không thể làm dịu bớt mối lo ngại của lực lượng quốc phòng ủng hộ mạnh mẽ quan hệ đồng minh với Mỹ và cho Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu của Manila. Về mặt chính trị, các thành viên trong Thượng viện Philippines giận dữ với chính sách của Tổng thống Duterte khi nhà lãnh đạo này từ chối chống lại Trung Quốc và coi thường liên minh truyền thống với Mỹ.

Thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm suy yếu nghiêm trọng các chính sách ủng hộ Trung Quốc của Tổng thống Duterte. Vì thế, có thể từ giờ tới lễ nhậm chức của Tổng thống tiếp theo, ông Duterte sẽ áp dụng một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, thậm chí cả khi nhà lãnh đạo này vẫn gọi Trung Quốc là "người bạn tốt", đồng thời tránh bất kỳ chiến lược mới nào ủng hộ Trung Quốc, chẳng hạn như kế hoạch khai thác dầu khí chung với Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp.

Trung Quốc khiến cho Tổng thông Duterte hầu như không còn lựa chọn, ngoại trừ việc xích lại gần hơn với Mỹ. Do đó, theo nhà quan sát Derek Grossman nhận định trên Foreign Policy, Mỹ và Philippines có thể sớm đạt được thỏa thuận VFA mới. Thay vì Mỹ, Tổng thống Duterte sẽ trở thành cơn đau đầu với Trung Quốc nhiều hơn và đó sẽ là một dấu hiệu tốt cho chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương./.