Thay đổi bản đồ an ninh châu Âu
Sau gần 3 tháng thảo luận trong nước, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi tình hình địa chính trị châu Âu và thế giới. Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ đem đến sự thay đổi về bản đồ an ninh của châu lục khi tăng gấp đôi biên giới giữa Nga và NATO.
Ngoài ra việc đảo Gotland của Thụy Điển nằm giữa Biển Baltic cũng sẽ đem đến lợi thế chiến lược cho NATO. Khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Biển Baltic, cửa ngõ của Nga vào Biển Bắc và Đại Tây Dương sẽ bị bao quanh bởi các thành viên NATO gồm Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển.
Trong nỗ lực gia nhập NATO, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ lịch sử trung lập trong một thời gian dài của mình, khi mà ưu tiên về chính sách đối ngoại và an ninh là tránh khỏi sự đối đầu giữa các siêu cường trong Chiến tranh Lạnh và duy trì quan hệ hòa hợp với cả 2 bên.
Mặc dù cuộc tranh luận về việc gia nhập NATO ở 2 quốc gia này đã diễn ra trong gần 3 thập kỷ nhưng hầu như có rất ít sự nhất trí ở 2 quốc gia này, đặc biệt là ở Thụy Điển về việc trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây này.
"Ngày 24/2 đã thay đổi mọi thứ", cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nhận định vào tháng trước trong chuyến thăm New Delhi, Ấn Độ.
Nếu như một trong những lý do Tổng thống Putin tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine là do sự mở rộng về phía Đông của NATO thì tình hình hiện tại đang diễn ra điều ngược lại. Nếu được công nhận, Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành thành viên thứ 31 và 32 của NATO. Liên minh này có 12 thành viên sáng lập năm 1929.
Hồi tháng 3, khả năng 2 quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO đã dẫn đến cảnh báo từ Nga rằng Moscow sẽ đưa ra phản ứng đáp trả bằng cách đặt các vũ khí siêu thanh và vũ khí hạt nhân gần Biển Baltic. Tuy nhiên, trong những phát biểu gần đây nhất sau khi Phần Lan và Thụy Điển chính thức thông báo về quyết định gia nhập NATO, Tổng thống Putin đã nhận định rằng: "Nga không có vấn đề gì với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO bởi điều này không gây ra mối đe dọa trực tiếp với chúng tôi. Tuy nhiên, sự mở rộng của các cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ những nước này chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng của chúng tôi".
Thụy Điển khẳng định nước này sẽ không cho phép NATO đặt căn cứ hay vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Trong khi đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nhận định với tờ Corriere della Sera của Italy ngày 19/5 rằng nước này phản đối việc NATO triển khai vũ khí hạt nhân hay lập các căn cứ quân sự ở Phần Lan nếu nước này gia nhập liên minh.
Ảnh hưởng đến diễn biến cuộc chiến ở Ukraine
Diana Ohlbaum, cố vấn chính sách đối ngoại kỳ cựu, đồng thời từng là thành viên cấp cao Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Hạ viện Mỹ cho rằng, việc mở rộng NATO có nguy cơ khiến cuộc chiến ở Ukraine leo thang, lan rộng và kéo dài. Điều này cũng làm tăng nguy cơ xung đột hạt nhân, sự kiện dễ biến thành một thảm họa toàn cầu.
Chuyên gia này cho rằng, ưu tiên cao nhất của Mỹ nên là đưa cuộc chiến ở Ukraine nhanh chóng đi đến hồi kết qua một lệnh ngừng bắn ngay lập tức cùng với kết quả đàm phán công bằng và bền vững.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden, dưới sức ép của Quốc hội và việc thiết lập các ưu tiên về chính sách đối ngoại dường như đã phát triển các mục tiêu của mình, từ kiềm chế Nga đến làm suy yếu Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhận định, mục tiêu của Mỹ là "làm suy yếu Nga đến mức nước này không thể tiến hành những việc như tấn công Ukraine".
Sự can dự ngày càng sâu của Mỹ vào cuộc chiến ở Ukraine không chỉ dừng lại ở những tuyên bố. Mỹ hiện thừa nhận nước này đã cung cấp các thông tin tình báo mà lực lượng Ukraine sử dụng để nhắm vào các mục tiêu của Nga. Việc vận chuyển các vũ khí tiên tiến hạng nặng từ Mỹ và các đồng minh sang Ukraine đã vượt ngoài việc hỗ trợ Ukraine tự vệ mà còn thúc đẩy Tổng thống Zelensky mở rộng các yêu cầu để bước vào đàm phán hòa bình. Trong khi Tổng thống Zelensky trước đó chỉ yêu cầu sự dàn xếp linh hoạt ở Donbass thì hiện nay nhà lãnh đạo Ukraine yêu cầu "khôi phục biên giới như trước cuộc tấn công, sự trở lại của hơn 5 triệu người tị nạn, tư cách thành viên trong EU và các nhà lãnh đạo quân sự Nga phải chịu trách nhiệm” cho cuộc chiến ở Ukraine.
Trong bối cảnh này, theo bà Diana Ohlbaum, việc NATO tăng cường ảnh hưởng ở cửa ngõ của Nga có thể bị coi là một hành vi khiêu khích và ngày càng khiến Nga cảm thấy bị cô lập cũng như bị bao vây.
Điều này còn khiến cuộc chiến bị kéo dài và làm tăng nguy cơ chiến tranh vượt ngoài biên giới Ukraine.
Nhà quan sát này cũng cho rằng, nói đồng ý trước việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO còn khó hơn nhiều việc từ chối Ukraine. Quan trọng hơn, việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh quân sự này thay vì bảo vệ an ninh châu Âu thì có thể khiến nó trở nên bất ổn hơn. Không có quốc gia nào đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ Nga trước cuộc khủng hoảng nhưng sự tăng cường quân sự qua việc mở rộng NATO có thể dẫn đến những phản ứng đáp trả từ phía Nga.
Điều châu Âu cần làm không phải là vạch ra những lằn ranh như Chiến tranh Lạnh hay mở rộng ảnh hưởng quân sự lớn hơn của NATO mà là xây dựng một cấu trúc an ninh và kinh tế mới mà trong đó các nước châu Âu, trong đó có Nga, có thể tham gia.
Sự mở rộng và leo thang của cuộc chiến ở Ukraine cũng làm dấy lên nguy cơ chiến tranh hạt nhân bùng nổ. Như nhà bình luận Thomas L. Friedman từng nói: "Cuộc chiến càng kéo dài, nguy cơ những tính toán sai lầm nghiêm trọng xảy ra càng cao và những yếu tố dẫn đến điều này sẽ chất chồng nhanh chóng". Việc quân đội NATO và các hệ thống vũ khí hạt nhân của liên minh này càng gần lãnh thổ Nga thì điều đó càng gây ra nhiều rủi ro hơn.
Thay vì đặt việc mở rộng NATO nằm ngoài chương trình nghị sự đàm phán về Ukraine, phương Tây có thể đặt vấn đề Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO trong các cuộc đàm phán với Nga. Cam kết không mở rộng NATO có thể sẽ công bằng hơn với Ukraine và khiến Nga "yên lòng" hơn. Một đề xuất như vậy có thể trở thành một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt chiến tranh và đáp ứng những mối lo ngại an ninh của Nga./.