Theo các nhà nghiên cứu tại RAND Europe, phản ứng của EU đối với cuộc chiến ở Ukraine đang cho thấy nhiệm vụ bảo đảm an ninh châu Âu đã không còn phụ thuộc hoàn toàn vào NATO và Mỹ.
Lucia Retter, Trưởng nhóm nghiên cứu về quốc phòng và an ninh tại RAND Europe cho rằng, mặc dù Mỹ và NATO vẫn đang gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, cũng như binh lính để củng cố sự hiện diện của NATO trên lục địa này nhưng EU cũng đang vươn lên như một tác nhân quan trọng về an ninh và quốc phòng.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ra sự tàn phá trên diện rộng, hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải đi tị nạn... Cuộc chiến cũng buộc các quốc gia châu Âu phải nhanh chóng đánh giá lại cách thức duy trì an ninh tập thể của mình. Điều này làm cho khái niệm "quyền tự chủ chiến lược" của châu Âu, đề cập đến khả năng hoạt động độc lập của EU và với các đối tác được lựa chọn trong các vấn đề quốc phòng và an ninh, trở nên phù hợp hơn bao giờ hết.
Các biện pháp này cũng được xác định trong La bàn Chiến lược của EU, trong đó nêu ra các tham vọng chiến lược của EU trong các vấn đề quốc phòng và an ninh. Chiến lược La bàn ghi nhận quyết tâm chưa từng có của EU trong việc duy trì các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và khôi phục hòa bình ở châu Âu. Nó cũng nêu rõ tham vọng của EU trong việc thực hiện một bước nhảy vọt về lượng tử và nâng cao năng lực cũng như sự sẵn sàng hành động của EU, tăng cường khả năng phục hồi và đảm bảo đoàn kết và tương trợ trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng phức tạp.
Mặc dù trong La bàn Chiến lược vẫn công nhận NATO là nền tảng phòng thủ tập thể cho các thành viên EU, nhưng cũng đồng thời thừa nhận sự cần thiết của EU để đảm bảo hòa bình trên lục địa và các khu vực lân cận.
Một nghiên cứu của RAND năm 2021 đã chỉ ra rằng, những lợi ích rõ ràng nhất đối với người châu Âu và các đồng minh xuyên Đại Tây Dương là gắn liền với một EU mà khả năng quân sự của các thành viên được hiện đại hóa và sẵn sàng triển khai để hỗ trợ các mục tiêu của EU cũng như NATO. Do đó, hơn cả quyền tự chủ chiến lược, vấn đề mấu chốt là tính bổ sung. Đó là làm thế nào những phẩm chất và năng lực độc đáo của NATO và EU có thể phối hợp với nhau để cung cấp một sự bảo vệ hiệu quả và toàn diện cho các biên giới và giá trị của châu Âu.
Có nhiều cách thực tế để hướng tới sự bổ sung nhiều hơn. Những điều được nêu trong La bàn Chiến lược là một bước khởi đầu mạnh mẽ: tăng cường khả năng cơ động của quân đội; đầu tư vào các yếu tố hỗ trợ chiến lược (ví dụ như tiếp nhiên liệu đường không đối không, trinh sát chiến lược; và nâng cao vai trò của EU trong an ninh hàng hải, đặc biệt là ở Địa Trung Hải). Nghiên cứu của RAND cũng khuyến nghị tiếp tục đối thoại ở tất cả các cấp giữa các đối tác EU và Mỹ, cũng như nỗ lực tạo ra sự hiểu biết rõ ràng hơn về tham vọng và thỏa thuận của EUvề các mối đe dọa và các lĩnh vực trách nhiệm.
Sẽ có nhiều thách thức thực tế về trao đổi thông tin giữa các tổ chức EU và NATO, cũng như căng thẳng với một số thành viên NATO không thuộc EU. Nhưng sự bổ sung của EU-NATO là cần thiết nếu châu Âu ngày càng phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong các vấn đề quốc phòng và an ninh./.