Tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng diễn biến phức tạp sau khi Nhật Bản triệu Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối việc tàu Hải giám Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Đáp lại, phía Trung Quốc vẫn kiên quyết khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư và khẳng định sẽ “tiếp tục các hoạt động chấp pháp bình thường” tại khu vực quần đảo này.

senkaku-dieu-ngu.jpg
Khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Reuters)

Cùng với việc Bộ Ngoại giao Nhật Bản triệu đại sứ Trung Quốc đến để phản đối sự xuất hiện của 4 tàu Hải giám Trung Quốc tại khu vực quần đảo tranh chấp, ngày 8/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã có cuộc làm việc khẩn cấp với Bộ trưởng Quốc phòng nước này Itsunori Onodera, yêu cầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản tăng cường giám sát xung quanh quần đảo tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Cùng với đó, Thủ tướng Abe còn đề nghị Quốc hội Nhật Bản tăng các khoản chi tiêu quốc phòng nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trong bối cảnh căng thẳng leo thang với các nước láng giềng liên quan vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 8/1, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh động thái của Trung Quốc là “bất thường” và “đáng tiếc”.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn giữ thái độ cương quyết trong vấn đề tranh chấp chủ quyền. Mặc dù khẳng định sẽ chuyển tải thông điệp của phía Nhật Bản đến Chính phủ Trung Quốc, song Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa tiếp tục bác bỏ phản đối của Nhật Bản, khẳng định vùng biển xung quanh quần đảo trên thuộc chủ quyền của Trung Quốc, vì vậy việc các tàu Trung Quốc tuần tra ở vùng biển này là "thực hiện nhiệm vụ thông thường".

Đại sứ Trung Quốc cũng đề nghị hai nước hợp tác đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo phát triển bình thường. Ông Trình Vĩnh Hoa nói: “Hy vọng Chính phủ mới ở Nhật Bản căn cứ tinh thần và nguyên tắc của 4 Văn kiện chính trị chung giữa hai nước, đối diện với hiện thực, thiện chí nỗ lực phối hợp với phía Trung Quốc đưa quan hệ hai nước trở về quỹ đạo phát triển tích cực, phù hợp với phương châm hợp tác cùng có lợi giữa hai nước”.

Tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng căng thẳng kể từ tháng 9/2012 sau khi Chính phủ Nhật Bản triển khai các hoạt động “quốc hữu hóa” quần đảo tranh cấp Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản triệu Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Abe nhậm chức hôm 26/12.

Giữa tháng 12 vừa qua, Tokyo cũng đã triệu quyền Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản khi đó đến để phản đối việc một máy bay Trung Quốc hoạt động tại khu vực tranh chấp./.