Đây là một sự kiện không chỉ được dư luận hai nước quan tâm, mà còn có ý nghĩa đối với nền chính trị toàn cầu nói chung. 

Đây sẽ là Hội nghị cấp cao đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Nga- Ấn, kể từ khi Chính phủ mới của Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu được thành lập. 

nga_an_lvtp.jpgMối quan hệ Nga- Ấn sẽ được củng cố sau chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nga Putin (Ảnh Reuters)

Theo Phủ Tổng thống Nga, dự kiến, tại hội nghị lần này, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào vấn đề tăng cường quan hệ Nga- Ấn trên mọi mặt, đặc biệt là trao đổi thương mại, đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự. 

Một số thỏa thuận quan trọng hy vọng sẽ được ký kết nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và quốc phòng giữa hai nước. Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết, nhân hội nghị này, Tổng thống Nga Putin có thể sẽ đề cập tới việc tăng cường phối hợp các nỗ lực Nga-Ấn trong các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức hợp tác Thượng Hải và Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. 

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga lần này là rất “đúng lúc”, bởi có thể nói chưa bao giờ Nga và Ấn Độ, lại cần nhau như lúc này.   

Trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt kinh tế liên quan tới vấn đề Ukraine, sự xuống dốc của giá dầu mỏ trên thị trường thế giới và nguy cơ suy thoái kinh tế, Nga cần thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác năng lượng được xem là động lực mới trong quan hệ song phương. 

Hơn nữa, chuyến công du Ấn Độ lần này của Tổng thống Putin sẽ là cơ hội để Nga tái khẳng định lợi ích của mình tại Ấn Độ, một đồng minh quan trọng trong khu vực và là đối tác trong BRICS. 

Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Nga Putin cũng một lần nữa khẳng định, một trong những ưu tiên hàng đầu của nước này là tăng cường và đa dạng các mối quan hệ kinh tế thương mại với các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Ấn Độ. 

“Tình hình hiện nay khó khăn hơn với chúng tôi, song lại tạo cho nước Nga những động lực mới. Chúng tôi đang huy động các nguồn lực và đưa ra những quyết định đúng đắn. Một trong nhưng ưu tiên của Nga đó là tăng cường các mối quan hệ kinh tế và thương mại với những nước mới nổi tại Nam Mỹ và khu vực châu Á Thái Bình Dương như Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Putin tuyên bố. 

Trong khi đó, Chính phủ mới tại Ấn Độ đang triển khai thực hiện các dự án đồ sộ như “Made in India” (sản xuất tại Ấn Độ), phát triển 100 “thành phố thông minh”, phát triển đường sắt cao tốc và nhiều dự án hạ tầng khác, rất cần vốn và công nghệ của nước ngoài. 

Mặc dù quan hệ với Trung Quốc và Mỹ được tăng cường, nhưng Ấn Độ vẫn cho rằng Nga luôn là đối tác truyền thống và tin cậy của Ấn Độ. Rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế Nga dựa nhiều vào xuất khẩu năng lượng, còn Ấn Độ đang thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, nên việc hợp tác năng lượng Nga - Ấn Độ có ý nghĩa chiến lược và mang lại nhiều lợi ích cho hai nước. 

Tuy nhiên, quan hệ Nga- Ấn không phải là không có những vết gợn, nhất là sau sự kiện hồi tháng 11 vừa qua Nga ký thỏa thuận hợp tác an ninh-quốc phòng với Pakistan, một quốc gia láng giềng song lại có thể coi là đối thủ của Ấn Độ tại khu vực. 

Chính vì thế, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống  Putin lần này được hi vọng sẽ xóa hết những gợn sóng đó để quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Nga luôn vững chắc, tạo nên một động lực mới trong quan hệ “Đối tác đặc biệt và ưu tiên” Nga-Ấn, được thiết lập từ năm 2010. 

Đây sẽ là cơ hội để hai nước nâng quan hệ lên tầm cao mới, đồng thời tạo ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành trung tâm quyền lực mới, liên minh năng lượng tại châu Á, góp phần cân bằng quyền lực và lợi ích giữa các nước trong xu thế hình thành một thế giới đa cực./.