Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Pakistan đến Mỹ trong vòng 5 năm qua. Dư luận kỳ vọng chuyến thăm sẽ giúp 2 nước đồng minh này từng bước hòa giải sau những căng thẳng kể từ khi trùm khủng bố bin Laden bị tiêu diệt trên lãnh thổ Pakistan cách đây 2 năm.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Pakistan liệu có nồng ấm trở lại thì vẫn còn phụ thuộc vào các động thái tiếp theo của các bên.

Bất đồng xung quanh các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vẫn cản trở mối quan hệ Mỹ-Pakistan (Ảnh AFP)

Nước Mỹ đã trải "hoa hồng" để đón ông Sharif khi mà ngay ngày đầu tiên ông có mặt, Washington đã đồng ý nối lại viện trợ cho Pakistan theo đề  xuất của Tổng thống Mỹ.

Theo đó, trong năm tài khóa 2014 (bắt đầu từ ngày 1/10), Mỹ sẽ viện trợ 1,16 tỷ USD cho Pakistan, trong đó có 857 triệu USD phục vụ cho các dự án dân sự và hơn 300 triệu USD còn lại là hỗ trợ về mặt an ninh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nhấn mạnh rằng đây “chỉ là một phần trong tiến trình kéo dài” nhằm nối lại hỗ trợ an ninh cho Pakistan.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã một lần nữa đã làm ông Sharifhài lòng khi nói đến tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Pakistan: “Chúng tôi có rất nhiều điều cần bàn với Pakistan và mối quan hệ với Pakistan cũng rất quan trọng. Về điểm này, chúng tôi đang hợp tác với nhau để thúc đẩy nền dân chủ cũng như phát triển kinh tế, đối phó với lực lượng nổi dậy cũng như ổn định khu vực”.

Quyết định nối lại viện trợ của Mỹ phần nào đã đáp ứng nhiệm vụ nặng nề trong chuyến thăm lần này của ông Sharif.

Nhận lại viện trợ của Mỹ cũng tức là mở cơ hội cho Chính phủ Pakistan có thể thực hiện được những ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế cũng như tăng cường năng lực an ninh của đất nước.

Đồng thời, hai bên cũng trở lại gần hơn  một "thỏa thuận" đồng minh, vốn bị phủ bóng đen do hàng loạt các vụ việc liên quan đến chủ quyền và lãnh thổ gần đây. Xét một khía cạnh nào đó, Pakistan vẫn rất cần sự hậu thuẫn của Mỹ trong chiến dịch chống lại các phần tử cực đoan đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia Nam Á này.

Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực này là chưa đủ. Nhiệm vụ nặng nề và có phần là bất khả thi đối với ông Sharif lần này là thuyết phục Mỹ chấm dứt các hoạt động không kích vào bên trong biên giới lãnh thổ của Pakistan.

Kể từ sau cái chết của trùm khủng bố Bin La-đen 2011, Mỹ vẫn không ngừng các hoạt động không kích nhằm vào lãnh thổ Pakistan. Những lý do mà Mỹ đưa ra là tiêu diệt các mục tiêu khủng bố vẫn không thuyết phục và luôn làm dấy lên các vụ biểu tình phản đối của người dân. Sức ép của dư luận lớn đến mức Chính phủ Pakistan không thể làm ngơ và họ buộc phải lựa chọn giữa việc làm yên lòng dân chúng hoặc làm phật lòng người Mỹ.

Liên tiếp các cuộc triệu hồi đại diện ngoại giao tại Islamabad để cáo buộc hành động xâm phạm lãnh thổ đã khiến cho quan hệ Mỹ - Pakistan lún sâu vào khủng hoảng.

Ngay trong ngày 20/10, Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain một lần nữa đã gọi các vụ tấn công bằng máy bay không người lái của quân đội Mỹ xuống các vùng bộ lạc của nước này là vấn đề ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương Mỹ-Pakistan.

Trong khi đó, bấp chấp sự phản đối của Pakistan, chính phủ Mỹ vẫn từ chối chấm dứt các chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái bí mật do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chỉ đạo, vì vẫn coi đây là công cụ hiệu quả để tiêu diệt các tay súng Taliban và al-Qaeda. 

Những động thái này diễn ra chỉ 1 ngày trước cuộc gặp giữa Thủ tướng Pakistan Sharif với Tổng thống Mỹ Obama mà nội dung chính cũng đề cập đến vấn đề này. Nó cho thấy quan hệ giữa Pakistan và Mỹ vẫn sẽ còn một hố sâu ngăn cách khó bề khỏa lấp./.