Quan hệ Mỹ-Cuba lại chứng kiến thêm bước thụt lùi sau khi Mỹ xác nhận kế hoạch tái kích hoạt một điều khoản trong Luật Helms-Burton năm 1996 sau 23 năm tạm hoãn, cho phép thực hiện các vụ kiện liên quan tới tài sản từng bị sung công ở Cuba. Bước đi mới này của Mỹ ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ đảo quốc Caribbean cùng với sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

my_cuba_wjnk.jpg
Quan hệ giữa Mỹ và Cuba lại thêm sóng gió. Ảnh cờ Cuba (trái) và cờ Mỹ. Ảnh minh họa: Pennsylvania.

Điều khoản gây tranh cãi liên quan tới luật Helms-Burton cùng các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ quyết định áp đặt lên Cuba đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với Cuba trong 2 thập kỷ qua, làm rạn nứt thêm mối quan hệ vốn nhiều sóng gió giữa hai bên trong nhiều năm qua. Cuba ngay lập tức lên án mạnh mẽ các biện pháp gây sức ép mới này của Mỹ vì cho rằng có thể tác động trực tiếp tới nền kinh tế Cuba.

Ngoại trưởng Cuba Rodriguez Parrilla cảnh báo: “Các biện pháp hạn chế bổ sung này sẽ có ảnh hưởng tới nền kinh tế của chúng tôi, đến những người có quan hệ với nó, cũng như trong các lĩnh vực như khách sạn, doanh nghiệp nhỏ… Trên hết, nó cũng sẽ có tác động tới chính những công dân Mỹ, những người không thể hưởng quyền này. Chúng tôi sẽ chờ xem cái mà họ sẽ đạt được là gì”.

Việc Cuba phản ứng mạnh mẽ trước quyết định của Mỹ là điều dễ hiểu, bởi một khi điều khoản liên quan tới luật Helms-Burton có hiệu lực, hàng loạt công ty của Mỹ, Canada và châu Âu sẽ vướng vào kiện tụng và có nguy cơ phải từ bỏ các dự án đầu tư tại Cuba nếu không muốn theo đuổi các cuộc chiến pháp lý tốn kém và dai dẳng. Hậu quả nhãn tiền là các nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước tại Cuba cũng không tránh khỏi những tác động không mong muốn.

Cùng chung quan điểm phản đối bước đi của Mỹ với mục đích nhằm thắt chặt lệnh cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại chống Cuba, Trung Quốc nhấn mạnh, quyết định của Mỹ chính là rào cản đối với sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia vùng Caribe.  

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 18/4, người phát ngôn Bộ Ngoaị giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh: “Mỹ từ lâu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Cuba, gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và xã hội của Cuba cũng như cuộc sống của người dân nước này. Như mọi người đã biết, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhiều lần thông qua các nghị quyết, yêu cầu Mỹ chấm dứt hành động sai trái như vậy.”

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Anh bày tỏ lo ngại đối với những nỗ lực mới của Mỹ trong việc yêu cầu các công ty nước ngoài tuân thủ các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba.

Phản ứng trước sức ép của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt nhằm vào các quốc gia Mỹ Latin như Cuba, Venezuela, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov vừa khẳng định, Nga cảnh báo các hành động của Mỹ với các nước này. Từ quan điểm của Nga, các biện pháp trừng phạt hay tác động bằng cách này hay cách khác của Mỹ hoàn toàn là “bất hợp pháp".

Chính phủ Mexico lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ khi áp dụng lần đầu tiên trong lịch sử Điều 3 Luật Helms-Burton, nhấn mạnh biện pháp này sẽ gây ảnh hưởng tới các công ty nước ngoài làm ăn tại Cuba, trong đó có các doanh nghiệp Mexico.

Những đối tác thương mại hàng đầu của Cuba như Pháp, Tây Ban Nha và Canada đồng loạt lên tiếng phản đối mạnh mẽ quyết định của Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ đưa có các biện pháp đáp trả và cam kết bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp của mình tại Cuba./.