Chiến dịch tái chiếm khu vực phía đông thành phố Aleppo của quân đội Syria tiếp tục thu được những kết quả lớn, khi các quan chức Nga thông báo 93% Aleppo đã được giải phóng hoàn toàn khỏi quyền kiểm soát của các nhóm vũ trang. Trong khi đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 9/12 thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Aleppo. 

Các quan chức Nga ngày 9/12 thông báo, quân đội chính phủ Syria cùng với sự hỗ trợ của các đồng minh đang tiến sâu vào phía đông Aleppo và kiểm soát được 93% lãnh thổ của thành phố. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nga, ông Sergei Rudskoi cho biết, trong 4 ngày qua, lãnh thổ do các nhóm vũ trang kiểm soát đã giảm xuống còn 1/3.  

_92911444_b83eaf3a_c825_4377_af06_0efa1e7d0ba6_vqzi.jpg
Khoảng 10.000 dân thường đã được sơ tán khỏi Aleppo trong 24 giờ qua, trong đó có 4.000 trẻ em. (ảnh: Reuters).

Khoảng 10.000 dân thường đã được sơ tán khỏi Aleppo trong 24 giờ qua, trong đó có 4.000 trẻ em. Khoảng 1.000 tay súng đã đầu hàng và rời khỏi Aleppo. Các chuyên gia Nga cũng đang kiểm tra các khu vực đã được giải phóng để đảm bảo an toàn cho người dân khi trở về, cũng như hỗ trợ cho người dân sơ tán Syria.

Ông Rudskoi cho biết: “Ưu tiên hàng đầu và trước tiên đó là xác định và dọn dẹp những vật liệu dễ nổ, mìn còn sót lại tại những khu vực đã được giải phóng. Trong 24 giờ qua, 21 địa điểm bao gồm trường học, trạm xăng dầu, nhà máy nước, đền thờ đã được xác định là an toàn cho người dân”.

Với 122 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 36 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 9/12 đã thông qua Nghị quyết yêu cầu ngay lập tức ngừng bắn tại Syria. Nghị quyết hối thúc ngừng toàn bộ các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và dừng các hành động thù địch trên toàn Syria.

Đại sứ Canada tại Liên Hợp Quốc Marc-Andre Blanchard cho rằng, nghị quyết này không phải là một giải pháp của cuộc xung đột, nhưng là một tuyên bố quan trọng giúp giảm căng thẳng hiện nay tại Aleppo: “Nghị quyết này và sự hợp tác của các bên  sẽ nhắc nhở chúng ta về vấn đề phải ưu tiêm hàng đầu là bảo vệ mạng sống của  người dân Syria. Thế giới không được thờ ơ trước nỗi đau của người dân Syria khi họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn”.

Trong khi đó, Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Ja'afari lại cho rằng, chính các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Syria ảnh hưởng đến người dân Syria và tác động đến nỗ lực của chính phủ giúp đỡ người dân. 

Đại sứ Nga Vitaly Churkin cũng lên án các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Syria. Nga, Iran và Trung Quốc cũng đã bỏ phiếu chống đối với nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Cuộc nội chiến Syria cũng là nội dung chính được đề cập trong cuộc họp Ngoại trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhóm họp tại thành phố Hamburg của Đức. Tuy nhiên sau 2 ngày thảo luận, Nga và Mỹ vẫn không thể đạt được sự đồng thuận về Syria, với việc Nga cáo buộc Mỹ kéo dài cuộc đàm phán về một thỏa thuận, cho phép các nhóm vũ trang đối lập an toàn rời khỏi thành phố Aleppo.

Mặc dù vậy, phía Nga vẫn bày tỏ hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận về vấn đề ngừng bắn và hỗ trợ nhân đạo tại Aleppo trong cuộc gặp dự ngày 10/12 tại Paris. Trong một động thái có thể giúp tháo gỡ những bế tắc giải quyết cuộc nội chiến Syria khi chính phủ Syria ngày 9/12 tuyên bố sẵn sàng nối lại đối thoại với phe đối lập, nhưng không có sự can thiệp của nước ngoài hoặc điều kiện tiên quyết nào./.