Syria đánh mạnh để giải phóng Đông Ghouta

Các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria đang chuẩn bị bao vây thị trấn Douma và Mesraba là hai thành trì của các nhóm khủng bố tại Đông Ghouta.

Hãng thông tấn FARS của Syria dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết Quân đội Arab của Syria đã được triển khai tới gần thị trấn Douma, nơi đặt cơ sở đầu não của nhóm khủng bố Jeish al-Islam. Còn các đơn vị ủng hộ chính phủ Syria khác được thông báo là đã từ Beit Sawa tiến gần hơn tới Mesraba.

1062145582_oulk.jpg
Khói đen bốc lên từ khu vực do lực lượng phiến quân kiểm soát tại Đông Ghouta. Ảnh: AFP

Theo FARS, các lực lượng này sẽ triển khai một cuộc tấn công quy mô lớn vào 2 thị trấn này trong có thể “trong vài giờ tới” để đánh bại các nhóm khủng bố đang bám trụ tại đây.

Trước đó, Đại tá quân đội Syria tự tin phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước ngày 7/3 rằng, người dân Đông Ghouta sẽ sớm trở về với “vòng tay bảo vệ” của chính phủ. 

“Chúng tôi đã nhận được chỉ thị phá vỡ vòng vây của khủng bố với người dân Syria tại Đông Ghota. Và sẽ sớm thôi, người dân Syria sẽ ở trong vòng tay bảo vệ của chính phủ”, Đại tá quân đội Syria phát biểu khi có mặt gần thị trấn Mesraba.

Đông Ghouta, khu vực ngoại ô thủ đô Damascus của Syria đã trở thành điểm nóng quân sự trong những tháng gần đây. Chiến dịch tấn công khủng bố của quân đội chính phủ Syria tại Đông Ghouta đã kéo theo làn mưa bom bão đạn trút xuống khu vực này. Đến nay, các lực lượng chính phủ Syria tuyên bố giành lại quyền kiểm soát hơn một nửa diện tích Đông Ghouta.

Với sự hỗ trợ của không quân Nga, Quân đội Syria quyết tâm giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ này, nơi khoảng 400 nghìn người dân đang bị mắc kẹt kể từ năm 2013 và phải đối mặt với một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng, thiếu thốn thực phẩm và thuốc men.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong tuyên bố mới nhất ngày 7/3 xác nhận, quân đội Syria đang triển khai một chiến dịch lớn tại Đông Ghouta nhằm xóa sổ hoàn toàn những mối đe dọa an ninh với khu vực này, cũng như đáp trả các vụ tấn công do những nhóm khủng bố tại đây thực hiện nhằm vào thủ đô Damascus.

Ngừng bắn thất bại tại Đông Ghouta

Trung tâm Hòa giải Nga tại Syria cho biết, tình hình tại quốc gia Trung Đông này đang dần dần trở lại bình thường và diễn biến chiến sự đang giảm dần. Trừ cuộc chiến tại Đông Ghouta không ngừng leo thang bất chấp các lệnh ngừng bắn của Liên Hợp Quốc và Nga.

“Nhìn chung, lệnh ngừng bắn tại Syria đã được giám sát. Trong những ngày qua, số vụ vi phạm lệnh ngừng bắn đã giảm. Tuy nhiên, chỉ có tình hình tại Đông Ghouta vẫn căng thẳng tột độ. Các nhóm khủng bố không ngừng tấn công buộc lực lượng quân đội Syria phải đáp trả”, người đứng đầu Trung tâm Hòa giải Nga tại Syria Yury Yevtushenko cho biết.

Theo ông Yury Yevtushenko, các khu vực tại thủ đô Damascus bị nã pháo bao gồm Đại sứ quán Nga, Phái bộ Thương mại và Trung tâm Hòa giải Nga tại Syria. Ông Yury Yevtushenko cũng công bố thống kê cho biết, trong 10 ngày qua, các nhóm khủng bố tại Đông Ghouta đã hơn 270 bắn đạn súng cối vào các khu vực dân ở Damascus, làm 13 người chết và 135 người bị thương, trong đó, có 3 trẻ em.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đưa ra đề xuất ngừng bắn 24h tại Đông Ghouta thay vì 4-5h mỗi ngày như đề xuất của Nga.

Người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin nói: “Chính phủ Syria phải ngay lập tức ngừng các cuộc tấn công vào Đông Ghouta. Chúng ta cần tiếp tục các nỗ lực mở rộng lệnh ngừng bắn tại Đông Ghouta từ 4-5h mỗi ngày lên 24h”.

Theo người phát ngôn Ibrahim Kalin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã có cuộc điện đàm trong ngày 8/3, theo đó nhất trí thúc đẩy các nỗ lực thực thi lệnh ngừng bắn tại Đông Ghouta. Dù cùng với Nga và Iran đóp góp tích cực vào nỗ lực thúc đẩy tất cả các bên tại Syria ngồi vào bàn đàm phán hòa bình tại Astana (Kazakhstan), nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại đang triển khai chiến dịch quân sự “Nhành Ôliu” tại Afrin phía Tây Bắc Syria.

Chiến dịch này bị không chỉ Syria mà còn Nga và nhiều nước lên tiếng phản đối, với quan ngại về một mặt trận mới mở ra sẽ khiến Syria lún sâu thêm vào vòng xoáy bạo lực không ngừng. Do đó, một đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria vào thời điểm này dường như không có trọng lượng.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trước đó đã nhấn mạnh rằng, sự tập trung của quốc tế đối với tình hình Syria chính là việc thực hiện lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại khu vực do phiến quân kiểm soát ở Đông Ghouta. Nhà ngoại giao Pháp khẳng định, thiện chí về một lệnh ngừng bắn là dành cho tất cả người dân, cho toàn đất nước Syria và nên được áp dụng trên toàn Syria, bao gồm cả Afrin. Pháp đồng thời lấy làm tiếc vì sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại phiến quân người Kurd ở Afrin.

Ngày 24/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 2401 yêu cầu tất cả các bên tại Syria ngay lập tức ngừng các hành động quân sự để đưa hàng viện trợ nhân đạo tới người dân trên toàn lãnh thổ Syria và để sơ tán những người bị thương.

Đến ngày 5/3, một đoàn xe tải chở hàng viện trợ của Liên Hợp Quốc đã lần đầu tiên tiếp cận được Đông Ghouta. Tuy nhiên, đại diện các cơ quan nhân đạo quan ngại, đề xuất ngừng bắn 5h mỗi ngày của Nga là quá ngắn ngủi để họ có thể phân phối hàng viện trợ cho người dân, trong bối cảnh, lệnh ngừng bắn 30 ngày của Liên Hợp Quốc bị phớt lờ.

Đây là đoàn xe chở hàng viện trợ đầu tiên tiếp cận được Đông Ghouta kể từ khi chiến sự leo thang ác liệt trong nhiều tuần qua. Tuy nhiên, không lâu sau đó đoàn xe bị buộc phải rời khỏi khu vực này và 10 xe tải vẫn còn nguyên hàng viện trợ khi rời đi. Đoàn cứu trợ sẵn sàng sơ tán tới 1.000 người dân, nhưng chỉ có 13 người, trong đó có 5 trẻ em được đưa ra khỏi Đông Ghouta./.