“Tôi tin rằng châu Phi đang trong quá trình thoát khỏi đại dịch và chúng ta cần kiểm soát Covid-19 trong dài hạn”, bà Moeti nói.  

“Đại dịch đang chuyển sang một giai đoạn khác. Khi tỷ lệ tiêm chủng dự kiến sẽ tăng lên, tôi nghĩ rằng chúng ta đang hướng tới giai đoạn sống chung với Covid-19 như bệnh đặc hữu”, quan chức WHO nói thêm.

“Trong 2 năm qua, châu Phi đã có những phản ứng nhanh và kịp thời đối với mỗi đợt bùng phát Covid-19. Châu Phi phải đối mặt với nhiều bất lợi trong cuộc chiến Covid-19, bao gồm cả sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine, nhưng lục địa này đã vượt qua dịch bệnh bằng khả năng phục hồi và sự quyết tâm”, bà Moeti cho hay.

Sự lạc quan của bà Moeti trái ngược với những cảnh báo từ Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đã nhiều lần nói rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc và còn quá sớm để các quốc gia dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch.

“Dù bạn sống ở đâu, Covid-19 vẫn chưa kết thúc”, ông Tedros nói, đồng thời cảnh báo châu Phi là một trong những khu vực có nguy cơ xuất hiện biến thể mới cao nhất.

Theo bà Moeti, điều đáng lo ngại là tới nay chỉ 11% dân số trưởng thành của châu Phi được tiêm chủng dù lục địa này đã nhận được hơn 670 triệu liều vaccine.

Theo số liệu của WHO, châu Phi là một trong những châu lục ít bị ảnh hưởng nhất bởi Covid-19. Một số chuyên gia cho rằng đó là do nhân khẩu học của châu Phi trẻ hơn và người dân có xu hướng dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời.

“Trong khi nhiều quốc gia giàu có đang triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường, 85% người châu Phi chưa nhận được mũi tiêm nào”, bà Moeti nói.

Bà Moeti cho biết, 54 quốc gia của châu Phi phải thực hiện các bài học kinh nghiệm trong các đợt bùng phát trước để đối phó với các biến thể mới và làn sóng lây nhiễm trong tương lai.

“Khi chuyển sang giai đoạn kiểm soát đại dịch, hay sống chung với Covid-19, năng lực của các quốc gia trong việc giảm thiểu và kiểm soát các ca lây nhiễm sẽ là chìa khóa quan trọng”, người đứng đầu WHO khu vực châu Phi nói./.