Đây được xem là bước tiến lớn của quân đội Syria nhằm đẩy lui IS ra khỏi lãnh thổ nước này, đồng thời góp phần cổ vũ cuộc đàm phán hòa bình tại Syria sớm mang lại kết quả, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua ở nước này.

palmyra_pfjy.jpg
Xe tăng quân đội Syria tiến vào giải phóng Palmyra. Ảnh: Reuters

Trong một thông cáo cho biết, dưới sự hỗ trợ từ lực lượng Không quân Nga cùng với sự hợp tác của các đồng minh, quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra. Quân đội Syria và các lực lượng đồng minh đã tiến sâu vào bên trong thành phố sau khi IS rút các tay súng của nhóm này khỏi đây.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn quân đội Syria nhấn mạnh: “Với sự hỗ trợ của các lực lượng không quân Syria và Nga, các đơn vị vũ trang và các lực lượng đồng minh đã lấy lại quyền kiểm soát thành phố Palmyra và các khu vực lân cận sau khi đẩy lui IS, đang bị tổn thất nặng nề trên chiến trường Syria”.

Trước đó, Điện Kremlin cũng xác nhận thông tin quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn bởi máy bay chiến đấu Nga đã hoàn tất việc giành lại thành phố cổ Palmyra từ tay IS.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo thông tin này với Tổng thống Vladimir Putin.

Việc tái chiếm thành phố cổ Palmyra được xem là bước tiến lớn trong việc đẩy lui IS ra khỏi lãnh thổ Syria.  Theo đánh giá của giới phân tích, thành cổ Palmyra được ví như chiếc chìa khóa nhằm mở đường cho quân đội Syria có thể tiến đánh thành phố Raqqa, khu vực được coi là thủ phủ của IS tự xưng ở miền Đông Syria.

IS đã chiếm thành phố Palmyra vào năm 2015 và phá hủy các đền đài nổi tiếng và hàng nghìn di tích tại Palmyra. Đến tháng 3/2016, các lực lượng chính phủ Syria và dân quân với sự hậu thuẫn của Không quân Nga đã giành lại thành phố này từ tay nhóm thánh chiến này. Tuy nhiên, do phải dồn sức vào việc giải phóng thành phố Aleppo, quân đội Syria đã để mất Palmyra vào tay IS vào tháng 12/2016.

Thông tin về việc giải phóng Palmyra lần thứ hai khỏi IS được đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán hòa bình về Syria đang diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ đang có nguy cơ lâm vào bế tắc.

Vòng đàm phán hòa bình hiện tại giữa các bên tham chiến tại Syria được nối lại ngày 23/2 tại Thụy Sỹ là vòng hòa đàm thứ 4 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.

Vấn đề chuyển tiếp chính trị và yêu sách của phe đối lập đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực luôn là vấn đề gây trở ngại lớn nhất trong các vòng đàm phán khi Chính phủ Syria khẳng định số phận của Tổng thống al-Assad không thể đưa ra thảo luận.

Kể từ tháng 4/2016, vị thế của phe đối lập giảm đáng kể giữa lúc các lực lượng Chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, chiến thắng trên nhiều mặt trận quan trọng, đặc biệt là tại tỉnh Aleppo ở miền Bắc Syria.

Chiến thắng trên thực địa Palmyra làm dấy lên hy vọng phá vỡ thế bế tắc tại đàm phán, qua đó đẩy nhanh tiến trình đàm phán. Cuộc nội chiến kéo dài gần 7 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng khoảng 300.000 người và khiến hàng triệu người Syria phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu./.