Hôm 24/1 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ John Kerry đã phải đương đầu với những người cùng ủy ban, trong phiên điều trần về việc đề cử ông làm Ngoại trưởng.

Phát biểu tại phiên điều trần, Thượng nghị sỹ bang Massachusetts và cựu ứng cử viên tổng thống nói rằng, Mỹ phải đưa nền tài chính nước nhà đi vào quỹ đạo nếu Washington muốn duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Theo ông, hiện nay, chính sách đối ngoại là chính sách kinh tế. Thế giới đang cạnh tranh vì các nguồn tài nguyên và thị trường toàn cầu. Mỗi ngày trôi qua, nếu nước Mỹ không sẵn sàng chứng tỏ quyết tâm để thực hiện vai trò lãnh đạo, là đã tự làm yếu mình.

Ngoại trưởng tương lai của nước Mỹ cam kết hỗ trợ chính quyền Tổng thống Barack Obama theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho chương trình hạt nhân của Iran. Ông Kerry cũng hứa mang lại thành công cho mọi nỗ lực ngoại giao và nhấn mạnh rằng không một ai nên lầm tưởng về quyết tâm của Mỹ trong giảm mối đe dọa hạt nhân. Ông đồng thời cam kết ủng hộ một tiến trình hòa giải dân tộc do người Afghanistan lãnh đạo với lực lượng Taliban, nếu điều đó là có thể. Nhưng nếu điều đó là không thể, ông sẽ giúp duy trì liên tục một chính phủ dân sự ở quốc gia Tây Nam Á này.

Ông Kerry cũng bày tỏ hy vọng Washington có thể đạt được sự tiến triển ở Tây bán cầu, thông qua việc cải thiện các mối quan hệ với Venezuela, Bolivia và Ecuador, giống như mối quan hệ thành công mà Mỹ đã có với Colombia.

Trong bài phát biểu giới thiệu người sẽ kế nhiệm mình trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh: Việc đề cử ông John Kerry là một sự lựa chọn đúng đắn. “Ông sẽ giúp chính quyền Tổng thống Barack Obama thúc đẩy chính sách đối ngoại trong thời gian tới và tôi kêu gọi đẩy nhanh tiến trình chuẩn thuận,” bà Clintoi nói. “Như những gì chúng ta đã biết về ông, với cả vai trò chủ tịch và thành viên cấp cao, Kerry sẽ mang đến một kỷ lục về sự lãnh đạo và hình mẫu về phụng sự.”

Ông John Kerry đã làm việc tại Ủy ban Đối ngoại trong suốt 28 năm có mặt ở Thượng viện và giữ chức Chủ tịch ủy ban này trong 4 năm vừa qua.

Thượng nghị sỹ giàu nhất nước Mỹ này, đã hứa rút cổ phần khỏi các công ty mà có thể gây ra một cuộc “xung đột lợi ích” đối với người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Đó là những công ty có liên quan đến Chính phủ Mỹ và các công ty khác có thể bị ảnh hưởng bởi các quyết định ngoại giao./.