Phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 24/12, Ngoại trưởng Syria Walid Mouallem tuyên bố, nước này sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại giữa những người Syria.

Đây có lẽ là điều mà cộng đồng quốc tế chờ đợi, trong bối cảnh việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi chỉ khi cuộc khủng hoảng này kết thúc thì cuộc chiến chống khủng bố, chống IS mới có thể giành thắng lợi.

hoa_binh_syria_ugpe.jpg
Một nền hòa bình thực sự tại Syria vẫn là điều quá xa vời. Ảnh AP

Tuy nhiên, mọi việc lại không đơn giản như thế. Bởi tuyên bố của Ngoại trưởng Syria cũng đi kèm với những điều kiện, mà một trong số đó là danh sách các lực lượng đối lập sẽ tham gia sự kiện này và chính phủ đoàn kết dân tộc trong tương lai.

Theo ông Mouallem, Syria sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại giữa những người Syria mà không có sự can thiệp của nước ngoài. Phái đoàn đàm phán của nước này sẽ sẵn sàng ngay sau khi nhận được danh sách phái đoàn đối lập.

“Syria sẵn sàng tham gia các cuộc đối thoại giữa những người Syria tại Geneva mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài và phái đoàn của chúng tôi sẽ sẵn sàng ngay khi nhận được danh sách phái đoàn đối lập.

Chúng tôi hy vọng cuộc đối thoại này sẽ thành công nhằm giúp chúng tôi có được một chính phủ đoàn kết dân tộc.Và chính phủ này sẽ thành lập một ủy ban hiến pháp chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới, với một luật bầu cử mới để các cuộc bầu cử Quốc hội có thể diễn ra trong vòng 18 tháng”, ông Mouallem tuyên bố.

Việc Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đồng  ý tham gia đàm phán được xem là một bước tiến lớn hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Song đây mới chỉ là một sự khởi đầu, bởi chính quyền Syria xem mọi nhóm vũ trang chống lại Tổng thống Assad là những kẻ khủng bố, tức là không có sự khác nhau nào giữa những lực lượng được gọi là đối lập và các tay súng thánh chiến thuộc tổ chức Mặt trận al- Nusra, một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, hay IS.

Ngay cả phe đối lập dù đồng ý tham gia đàm phán song cũng có những điều kiện của riêng mình. Ngày 10/12 vừa qua, khoảng 100 đại diện của các nhóm chính trị và vũ trang đối lập của Syria nhóm họp tại Saudi Arabia đã thông báo về một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với chính quyền Syria.

Tuy nhiên, họ cũng đặt ra yêu cầu Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực ngay từ đầu giai đoạn chuyển tiếp nếu đạt được. Đây cũng là vấn đề đang gây chia rẽ sâu sắc cộng đồng quốc tế, giữa một bên ủng hộ với một bên là chống chính quyền Tổng thống Assad.

Có thể nói, cả Chính phủ Syria và phe đối lập đều đang đặt các nhà trung gian đàm phán trước thế khó và khiến cho triển vọng đàm phán trở nên mơ hồ.

Trên thực tế, nhiều nước phương Tây dù phản đối Tổng thống Assad, song cũng rất lo ngại trước những nguy cơ mà ISđang đặt ra. Đây cũng chính là lý do thúc đẩy toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 19/12 thông qua một lộ trình hòa bình nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đang tàn phá Syria trong suốt gần 5 năm qua và đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người, buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Đây có thể xem là lần đồng thuận hiếm hoi mà các nước đạt được kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát và dư luận quốc tế vẫn đang chờ đợi những bước đi lớn tiếp theo nào sẽ được thực hiện./.