Trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine vì vụ việc ở eo biển Kerch, việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Moscow đang đưa ra nhiều quan điểm trái chiều, gây chia rẽ. Trong khi Mỹ, Ukraine liên tục hối thúc các nước phương Tây siết chặt trừng phạt Nga, thì ở lập trường trái ngược, Pháp và Đức lại vừa lên tiếng “bênh vực Nga” khi bày tỏ quan điểm phản đối gia tăng cấm vận đối với nước này.
Trong khi Mỹ, Ukraine liên tục hối thúc các nước phương Tây siết chặt trừng phạt Nga, thì Pháp và Đức lại vừa lên tiếng “bênh vực Nga”. Ảnh: FEE |
Chính quyền Mỹ vừa thúc giục châu Âu phải "làm nhiều hơn nữa" nhằm hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh: “Chính phủ Mỹ có vị thế rất mạnh trong việc hỗ trợ Ukraine. Do đó chúng tôi muốn các đồng minh châu Âu tham gia giúp đỡ nhiều hơn nữa cho nước này. Đó cũng là những gì được ghi nhận trong chiến lược an ninh của chúng tôi, là khuyến khích các quốc gia ủng hộ lẫn nhau để Mỹ không phải chống đỡ gánh nặng và một mình giải quyết các vấn đề”.
Sau vụ việc Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine ở gần bán đảo Crimea thổi bùng lên những căng thẳng mới giữa hai nước, giới chức Ukraine đã ra sức thúc giục phương Tây áp đặt trừng phạt bổ sung Nga. Đại sứ Ukraine tại Đức Andrij Melnyk ngày 28/11 kêu gọi Đức và các quốc gia phương Tây khác áp đặt trừng phạt bổ sung, cấm nhập khẩu năng lượng và ngừng dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Theo nhận định của ông Alex Brideau, giám đốc bộ phận nghiên cứu Á - Âu tại hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group, vụ việc xảy ra tại eo biển Kerch và phản ứng của Ukraine cho đến nay mang các hàm ý địa chính trị, cũng như các tác động tới chính trị nội bộ của Ukraine.
Tuy nhiên, ở lập trường quan điểm có vẻ như đứng về phía Nga, thay vì ủng hộ các biện pháp trừng phạt, chính phủ Đức và Pháp lại đang tỏ ra quan tâm hơn tới các giải pháp ngoại giao nhằm hàn gắn xung đột mới nhất giữa Nga và Ukraine. Các nhà ngoại giao Pháp và Đức đã lên tiếng phản đối việc tăng cường các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu với Nga, thay vào đó là ủng hộ biện pháp nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên. Chính phủ các nước Đức và Pháp được cho là muốn tiếp tục những nỗ lực ngoại giao của mình cùng với Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), một cơ quan có thể sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết “bế tắc” ở eo biển Kerch.
EU chưa có ngay các lệnh trừng phạt mới chống Nga
Kể từ năm 2014, Nga đã phải hứng chịu hàng loạt các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea. Giới quan sát không ngoại trừ khả năng, vụ đụng độ trên biển hôm 25/11 vừa qua - vụ việc căng thẳng mới nhất trong mối quan hệ nhiều sóng gió giữa Nga và Ukraine có thể khiến Moscow tiếp tục phải hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế. Vào thời điểm hiện nay không thể chắc chắn rằng liệu các chính phủ phương Tây có hoàn toàn đứng về phía Ukraine để chống lại Nga trong vụ việc này hay không và Nga sẽ ra sao khi tiếp tục hứng chịu thêm các lệnh trừng phạt mới.
Hiện cũng chưa rõ Nga và Ukraine sẽ đứng ra dàn xếp căng thẳng giữa hai bên bằng cách nào. Song hiện phía Nga vẫn khẳng định, nước này không cần các quốc gia khác tham gia hòa giải bởi họ và Ukraine đều có thể tự giải quyết vấn đề của mình./.