Ngày 25/9, nhiều nước phương Tây, trong đó có Pháp và Italy đã nâng mức độ cảnh báo đối với các công dân của mình ở nước ngoài sau vụ một công dân Pháp bị các phiến quân thuộc nhóm vũ trang Jund al-Khilifa ở miền ĐôngAlgeriabắt cóc và hành quyết. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn đang cố gắng tập hợp thêm nhiều quốc gia vào mặt trận chống Nhà nước Hồi giáo IS.

Công dân Pháp - Herve Pierre Gordel là một hướng dẫn viên leo núi, 55 tuổi, bị nhóm vũ trang Jund al-Khilifa - tổ chức cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria - bắt cóc ở khu vực Tizi Ouzou, miền Đông Algeria và hành quyết ngày 24/9 vừa qua. Vụ việc diễn ra sau khi Nhà nước Hồi giáo kêu gọi các chân rết của tổ chức này tấn công vào những người phương Tây thuộc các quốc gia tham gia liên minh chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan.

hervegourdel_gxvh_bwhx.jpgCon tin người Pháp Herve Gourdel trước khi bị bắt cóc và bị hành quyết (ảnh: BBC/Google+)
Phản ứng trước sự việc này, Pháp tuyên bố sẽ tăng cường cho các lực lượng của Syria chống lại các phần tử cực đoan thuộc Nhà nước Hồi giáo. An ninh được thắt chặt trên khắp nước Pháp, đặc biệt tại các nhà ga và địa điểm công cộng. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 25/9 đã tuyên bố để quốc tang 3 ngày. Cùng ngày Bộ Ngoại giao Pháp cho biết Pháp đã mở rộng danh sách khuyến cáo đối với công dân Pháp ở nước ngoài, từ 31 quốc gia lên 40 quốc gia, trong đó có các nước châu Á.

Tương tự, cùng ngày Italy cũng đã nâng cảnh báo an ninh lên mức tối đa - cấp độ mà nước này từng thiết lập sau sự kiện khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001. Trong một thông cáo, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano khẳng định: “Mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo là nghiêm trọng, nhưng Italia đã sẵn sàng đương đầu với chúng”. Điều này cũng đã được Thủ tướng Italy Matteo Renzi đề cập trong bài phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng LHQ diễn ra tại New York, Mỹ hôm 25/9: “Tình trạng diệt chủng đang diễn ra. Chỉ có thông qua sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế chúng ta mới có thể đối phó được với các phần tử khủng bố. Như tôi đã nói với Tổng thống Mỹ Obama rằng Italy sẽ nỗ lực để ủng hộ cuộc chiến loại bỏ nguy cơ từ Nhà nước Hồi giáo".

Ngày 25/9, Bỉ cũng đã kêu gọi cộng đồng thế giới cần thực thi các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm đối phó với các phần tử khủng bố. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo cho biết: Bỉ ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ xử lý hình sự đối với những công dân của một quốc gia tới tham chiến, tuyển dụng chiến binh hoặc tài trợ cho các tổ chức khủng bố trong đó có Nhà nước Hồi giáo.

Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Bỉ nói: “Chúng ta cần có những giải pháp nhằm trừng trị các hành vi khủng bố, và những người tạo điều kiện cho khủng bố hoạt động. Chúng ta cần phải bảo vệ người dân và ngăn chặn những người đang bị lôi kéo bởi những lý tưởng khủng bố”.

Về phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đã có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và nhiều phái đoàn của các nước khác trong một nỗ lực xây dựng một liên minh đối phó với Nhà nước Hồi giáo.

Trong khi đó, nước Anh hôm qua đã bắt giữ 9 người bị tình nghi khuyến khích và ủng hộ một tổ chức khủng bố. Đây là một phần trong chiến dịch truy quét chống lại chủ nghĩa khủng bố liên quan đến các phần tử Hồi giáo. Chiến dịch bắt giữ trên diễn ra chỉ một ngày trước khi Thủ tướng Anh David Cameron hôm nay (26/9) sẽ có báo cáo trước Hạ viện Anh về sự tham gia của Anh trong nỗ lực đối phó với Nhà nước Hồi giáo. Trước đó, Anh cũng đã nâng mức cảnh báo về mối đe dọa quốc tế lên cấp độ cao thứ hai là “nguy hiểm”, đồng nghĩa với khả năng có thể xảy ra một cuộc tấn công khủng bố./.