Thỏa thuận hạt nhân sơ bộ giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng với Đức) ngày 20/1 bắt đầu có hiệu lực. Điều này mở ra hy vọng để các bên tiếp tục đàm phán hướng đến một thỏa thuận lâu dài, chấm dứt những tranh cãi kéo dài hàng chục năm qua giữa Iran và phương Tây.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, từ ngày 20/1, Mỹ bắt đầu nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, trong đó bao gồm tạm ngừng hạn chế lĩnh vực xuất khẩu đối với ngành công nghiệp hóa dầu của Iran.

tgthgmy.jpg
 Tổng thống Mỹ hoan nghênh tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran (Ảnh: thyblackman)

Theo quan chức này, nếu các thanh sát viên quốc tế xác nhận Iran hạn chế hoạt động làm giàu uranium theo thỏa thuận đạt được, các biện pháp trừng phạt khác đối với lĩnh vực ô tô, vàng và các kim loại quý hiếm khác cũng sẽ được nới lỏng. Ước tính giá trị các biện pháp nới lỏng trừng phạt kinh tế đối với Iran vào khoảng 6 đến 7 tỷ USD.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh tiến triển thực chất trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, song cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được một thỏa thuận lâu dài. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết nếu Iran vi phạm các thỏa thuận, Mỹ sẽ ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới.
Quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) bà Catherine Ashton bày tỏ hy vọng Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ tích cực tham gia quá trình giám sát việc thực thi thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran./.