Sau khi đạt được thỏa thuận tạm thời vào ngày 24/11/2013 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, Iran và nhóm P5+1 (gồm: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) hôm nay (9/1) tiếp tục tiến hành vòng đàm phán tiếp theo ở Geneva, Thụy Sĩ, nhằm tháo gỡ những bế tắc trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.

dam-phan1.jpg
Một vòng đàm phán của nhóm P5+1 và Iran tại thành phố Almaty, Kazakhstan hôm 27/2/2013 (Ảnh: PressTV)

Theo đó, những tranh cãi xung quanh việc Iran nghiên cứu và phát triển các máy ly tâm thế hệ mới được cho sẽ là một trong những thách thức lớn mà Iran và nhóm 6 cường quốc phải đối mặt trong vòng đàm phán lần này.

Hãng tin AFP của Pháp dẫn lời người phát ngôn về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Michael Mann cho biết, Iran và nhóm P5+1 sẽ cử  đoàn đàm phán tới tham gia vòng đàm phán diễn ra trong 2 ngày (9 - 10/1) ở Geneva, Thụy Sĩ.

Cũng theo AFP, tại đây, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman sẽ có cuộc thảo luận với nhà đàm phán hạt nhân cấp cao của Liên minh châu Âu Helga Schmid và nhà đàm phán Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi. Theo Bộ Ngoại giao Iran, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào “ một hoặc hai vấn đề còn tồn đọng” đang cản trở việc thực thi thỏa thuận hạt nhân tạm thời.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, một trong những vấn đề mà Iran và nhóm P5+1 muốn đề cập trong cuộc đàm phán lần này tại Geneva là việc Iran nghiên cứu và phát triển các máy ly tâm tiên tiến. Trong thỏa thuận hạt nhân tạm thời ngày 24/11, Iran có thể nghiên cứu và phát triển máy ly tâm, song lại bị hạn chế trong việc thiết lập các máy ly tâm mới, trừ khi các máy móc cũ đã bị hao mòn.

Tuy nhiên, tháng 12/2013, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cho biết, họ đang phát triển một thế hệ máy ly tâm mới và việc này cần trải qua tất cả các quy trình thử nghiệm trước khi đưa vào hoạt động.

Báo cáo này của Iran khiến nhóm P5+1 ngờ vực rằng, liệu nước này đang phát triển một mô hình máy ly tâm hoàn toàn mới hay chỉ là phiên bản sửa đổi của một loại máy ly tâm cũ. Một số nguồn tin ngoại giao cũng cho biết, Iran muốn phát triển thêm các máy li tâm tiên tiến hơn so với máy li tâm thế hệ thứ 2 IR-2m.

Trong khi giới chức Mỹ lo ngại những động thái này của Iran có thể làm trầm trọng hơn những tranh cãi xung quanh vấn đề hạt nhân của nước này, thì các nhà đàm phán phương Tây cũng tỏ thái độ không hài lòng trước ý định của Iran về việc phát triển thêm các máy ly tâm mới do lo ngại rằng, với các máy ly tâm công nghệ cao, Iran có thể làm giàu uranium nhiều hơn và nhanh hơn.

Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết ngày 24/11/2013, Iran và đại diện nhóm P5+1 đã 2 lần tiến hành cuộc đàm phán về nội dung chi tiết liên quan đến cách thức và thời điểm thực thi thỏa thuận lịch sử này, song các cuộc đàm phán đều thất bại. Tuy nhiên, theo giới phân tích, tại cuộc đàm phán lần thứ 3 về vấn đề này, 2 bên nhiều khả năng sẽ đạt được tiến bộ khi những tín hiệu tích cực và lạc quan từ các bên đã xuất hiện trước thềm đàm phán.

Trước cuộc gặp tại Geneva hôm nay (9/1), giới chức phương Tây khẳng định, mặc dù còn nhiều bất đồng, song 2 bên vẫn nỗ lực nhằm hướng tới việc đáp ứng thời hạn được đề xuất bắt đầu thực thi thỏa thuận hạt nhân tạm thời.

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi cũng cho biết, ngày 20/1 tới được đề xuất là thời hạn bắt đầu thực thi thỏa thuận hạt nhân tạm thời và 2 bên đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch này.

Cùng quan điểm đó, trong tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhấn mạnh: “Chúng tôi đang nỗ lực để xây dựng một nền tảng cần thiết cho một tương lai khác giữa Iran và phương Tây, biến sự ngờ vực đã tồn tại 10 năm nay trở thành sự tin tưởng lẫn nhau”.

Thỏa thuận hạt nhân tạm thời mà Iran và nhóm P5+1 đạt được năm ngoái được cho là một thỏa thuận mang tính "cột mốc" trong việc giải quyết những tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ nay xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Do đó, nếu những bất đồng xung quanh việc thực thi thỏa thuận được tháo gỡ, thì việc các bên có thể hướng tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện và dài hạn là điều "có thể"./.