Ngày 4/12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Bắc Kinh giữa lúc căng thẳng trong khu vực đang có dấu hiệu “tăng nhiệt” sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

biden-abe1.jpg
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) đã có cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Tokyo ngày 3/12/2013 (Ảnh: AFP)

Nhiệm vụ trong chuyến công du 3 nước Đông Bắc Á lần này của ông Biden được đánh giá là không hề đơn giản khi Mỹ cần phải củng cố mối quan hệ với thế lực đang lên là Trung Quốc đồng thời không làm “mất lòng” 2 đồng minh thân cận là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chuyến đi của ông Biden có điểm dừng chân đầu tiên là Tokyo và kết thúc tại Seoul. Chuyến đi này diễn ra chỉ hơn 1 tuần sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông trong đó có cả các hòn đảo Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.

Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông bắt đầu được thổi bùng lên sau khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa một số hòn đảo thuộc quần đảo này hồi tháng 9/2012.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 3/12, ông Biden nói: “Cần thiết phải có cơ chế quản lý rủi ro và xây dựng các kênh thông tin hiệu quả giữa Trung Quốc và Nhật Bản để giảm nguy cơ leo thang căng thẳng”.

Phó Tổng thống Mỹ cũng lên tiếng khẳng định với phía Nhật Bản rằng: “Chúng tôi vẫn sẽ kiên định trong cam kết liên minh giữa chúng ta. Tôi sẽ trực tiếp đề cập đền những mối quan tâm chính hiện nay với các nhà lãnh đạo Trung Quốc”.

Ông Biden cũng cho biết đây là dịp quan trọng để Mỹ có thể “khuếch trương thông điệp rằng, chúng tôi đã, đang và sẽ luôn ở bên cạnh các đồng minh của chúng tôi. Đó cũng chính là cách mà 2 cường quốc là Mỹ và Trung Quốc xây dựng các mối quan hệ khác trong thế kỷ 21”.

Ngày 23/11 Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ mở rộng trên biển Hoa Đông, theo đó tất cả các máy bay bay vào khu vực này sẽ phải chấp hành mệnh lệnh của Trung Quốc hoặc phải đối mặt với “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” mà Trung Quốc sẵn sàng áp dụng.

Tuyên bố này của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia. Washington, Tokyo và Seoul đều tuyên bố đã cho máy bay quân sự và bán quân sự bay vào ADIZ mà Bắc Kinh tuyên bố bất chấp các qui định mà Trung Quốc đưa ra.

Một quan chức cấp cao ở Washington cho biết: “Phó Tổng thống cũng sẽ thảo luận về những mối quan tâm sâu rộng hơn, liên quan đến Vùng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố. Ông Biden cũng sẽ làm sáng tỏ câu hỏi về cách mà Trung Quốc tiếp cận vùng không phận quốc tế và làm thế nào Trung Quốc có thể ‘ăn nói’ với các nước trong khu vực khi láng giềng của họ không đồng tình với cách thức mà Bắc Kinh đang thực hiện”.

Vị quan chức này cho biết thêm, Trong thời gian ở Bắc Kinh, ông Biden sẽ hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Trong các cuộc gặp này, các nhà lãnh đạo 2 nước sẽ có “đối thoại rất rộng” về các vấn đề khác nhau.

Sau khi rời Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ sẽ đến Hàn Quốc vào ngày 5/12. Tại Hàn Quốc, ông sẽ có cuộc hội kiến Tổng thống Park Geun- Hye và tham dự các hoạt động đánh dấu kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Mỹ- Hàn./.