Theo Washington Post, một vấn đề mà chính quyền Tổng thống Biden đang phải đối mặt là Mỹ có thể tiến xa đến đâu và duy trì sự tín nhiệm với các đồng minh như thế nào giữa bối chính phủ Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn ở Afghanistan đã sụp đổ và ấn tượng về những chính sách ngoại giao dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump vẫn chưa phai nhạt. Chuyến thăm Đông Nam Á lần này của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, cũng là chuyến công du nước ngoài thứ hai của bà, được đánh giá như một phép thử về khả năng của Washington.
Chuyến công du chính thức của Phó Tổng thống Harris đã bắt đầu ngày 23/8 khi bà gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Trong cuộc gặp song phương kéo dài hơn 1 tiếng, hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có việc làm sâu sắc sự hợp tác kinh tế, thúc đẩy chuỗi cung ứng, khởi động quan hệ đối tác mới về khí hậu cũng như mở rộng hợp tác về an ninh mạng.
"Lý do tôi ở đây là bởi Mỹ là một nhà lãnh đạo toàn cầu và chúng tôi nhìn nhận vai trò này một cách rất nghiêm túc", Phó Tổng thống Harris khẳng định trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Lý Hiển Long.
Dự kiến, bà Harris sẽ có bài phát biểu về chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ ngày 24/8. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden nhận định trước thềm các cuộc trao đổi của bà Harris ngày 23/8 rằng, Đông Nam Á "đã có vai trò quan trọng trước khi những diễn biến gần đây xảy ra ở Afghanistan, hiện vẫn có vai trò quan trọng và sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng, cũng như khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung".
"Chúng tôi theo đuổi việc làm sâu sắc các mối quan hệ đối tác này về kinh tế, các lợi ích an ninh, lợi ích y tế toàn cầu và nhiều hơn nữa", quan chức này cho hay./.