Tuyên bố trên được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana đưa ra tại một sự kiện trực tuyến do Viện Nghiên cứu Stratbase ADR tổ chức. Theo ông Lorenzana, sự đối đầu giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc trên Biển Đông là mấu chốt của thách thức an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và “nếu một cuộc chiến nổ ra, dù muốn hay không, Philippines, quốc gia đứng ngay giữa cuộc xung đột, sẽ tham gia”.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho rằng nỗi sợ hãi về tính toán sai lầm "đã hiện hữu" khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục khẳng định lợi ích của họ trong khu vực, mặc dù cả hai đều nhấn mạnh rằng hành động của họ là phản ứng trước hoạt động thù địch của nhau. Ông viện dẫn cuộc đối đầu giữa hai siêu cường vào năm 2018 khi một tàu quân sự Trung Quốc suýt va chạm với một tàu chiến của Mỹ khi đó đang thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trung Quốc đã thắt chặt hơn nữa vòng vây của mình trong các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông, bất chấp phán quyết của tòa trọng tài năm 2016. Phán quyết của tòa bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường 9 đoạn” trên Biển Đông. Theo ông Lorenzana, kế hoạch gần đây của Trung Quốc củng cố, trao thêm quyền cho lực lượng Cảnh sát biển và tàu tuần tra ở Biển Đông đã góp phần làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Đáp lại điều này, Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông cùng với các nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, những nước đã bày tỏ sự ủng hộ với phán quyết của Tòa trọng tài. Vấn đề tuyên bố chủ quyền chồng lấn của Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông đã được Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận ít nhất hai lần, trong đó, lần thứ hai là vào năm 2019 khi Tổng thống Duterte khẳng định phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 về vấn đề Biển Đông là quyết định cuối cùng và không thể thương lượng./.