Cuộc tổng tuyển cử lần này thu hút sự quan tâm đặc biệt bởi cuộc cạnh tranh “khốc liệt” vào chiếc ghế Tổng thống thay thế ông Benigno Aquino, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 6 tới. Dư luận quốc tế băn khoăn việc tân Tổng thống Philippines sẽ xử lý như thế nào mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, nhất là trong vấn đề Biển Đông.

Theo Ủy ban Bầu cử Philippines, hơn 46.000 nhân viên kỹ thuật cùng 93.700 máy kiểm phiếu tự động đã được triển khai trên khắp nước này nhằm bảo đảm hoạt động bầu cử và kiểm phiếu diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ. 

_89612786_588d7464_dd0e_4019_bff2_02890da2eeb7_ypwa.jpg
Áp phích về cuộc bầu cử Tổng thống Philippines. (ảnh: EPA).

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Philippines Andres D. Bautist khẳng định, cuộc bầu cử năm nay sẽ là cuộc bầu cử được tổ chức tốt nhất từ trước tới nay cả về mặt tổ chức lẫn công tác bảo đảm an ninh.

Ông D. Bautist hy vọng các sự cố cũng như vấn đề bạo lực diễn ra trong bầu cử sẽ ở mức thấp nhất. Trong khi đó, Người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia Wilben Mayor khẳng định: “Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) phối hợp với các lực lượng vũ trang của Philippines đã triển khai các đơn vị để đảm bảo cuộc bầu cử ngày mai sẽ diễn ra trong hòa bình và trật tự. Cảnh sát quốc gia Philippines và các cơ quan có liên quan sẽ đảm bảo an toàn cho tất cả các điểm trọng yếu về kinh tế và những nơi khác”. 

Tham gia tranh cử Tổng thống Philippines lần này có 5 ứng cử viên nhưng cái tên sáng giá nhất là Thị trưởng thành phố Davao, Rodrigo Duterte, thuộc Đảng Dân chủ Philippines – Sức mạnh người dân (PDP-Laban).

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông được ví như “Donald Trump của phương Đông” vì có nhiều phát ngôn mạnh mẽ, táo bạo đến mức gây tranh cãi. Nhưng theo kết quả thăm dò cử tri do Viện nghiên cứu xã hội (SWS) thực hiện từ ngày 1 đến ngày 3/5, ông Duterte nhận được 33 % phiếu ủng hộ của cử tri, bỏ xa các đối thủ gần nhất là Thượng nghị sĩ Grace Poe với 22% và cựu Bộ trưởng Nội vụ Manuel Mar Roxas với 20%. 

Nhận định về ứng viên này, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chính trị và cải cách bầu cử (IPER), Ramon Casiple cho rằng: “Chúng ta sẽ có một nhiệm kỳ 6 năm thú vị nếu ông ấy đắc cử. Tôi không biết chính xác nhưng nó có thể rất mới lạ vì ông ấy thường có sự khác biệt giữa cái chúng ta gọi là nền tảng cũng như hành vi của ứng viên trong suốt cuộc bầu cử và khi ông ấy trở thành Tổng thống. Tôi hy vọng ông ấy thay đổi hành vi nhưng tôi không dám chắc về điều đó. Nhưng điều tôi biết là ông ấy không phải là một Tổng thống hay tuân theo các quy ước, ít nhất là như thế”.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Nội vụ Manuel Mar Roxas lại nhận được sự ủng hộ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Aquino. Trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống lần này còn có hai ứng cử viên nữ là Thượng nghị sĩ Grace Poe và Thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago. Nếu một trong hai bà đắc cử, Philippines sẽ có nữ nguyên thủ quốc gia thứ ba trong lịch sử.

Trước đó, ngày 24/4, tất cả các ứng viên Tổng thống đã có cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng, trong đó đề cập hàng loạt vấn đề mà cử tri quan tâm như chính sách đối ngoại, vấn đề giao thông công cộng, bảo đảm việc làm, y tế, giáo dục, bảo vệ người lao động Philippines ở nước ngoài và tìm kiếm hòa bình ở khu vực miền Nam Mindanao. Quá trình vận động tranh cử của các ứng cử viên cho thấy thấy hai xu hướng chính liên quan tới chính sách đối với Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi 2 ứng viên đang đứng ở vị trí thứ hai và ba là bà Grace Poe và ông M Manuel Mar Roxas có quan điểm gần giống với chính quyền sắp mãn nhiệm và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực thi chính sách của ông Aquino theo hướng thân Mỹ, thì ứng viên sáng giá nhất, Thị trưởng Duterte cho rằng nên làm hòa với Trung Quốc với điều kiện Bắc Kinh phải ngưng sách nhiễu ngư dân Philippines và công nhận chủ quyền của Philippines ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Các cuộc thăm dò dư luận sát ngày bầu cử đều cho thấy ứng cử viên Duterte luôn nhận được số phiếu ủng hộ cao nhất. Điều đó khiến các đối thủ của ông lo ngại và không loại trừ khả năng vào phút chót sẽ xuất hiện một liên minh giữa các ứng cử viên còn lại để loại bỏ ông Duterte.

Tuy nhiên, dù ứng cử viên nào ngồi vào chiếc ghế “nóng” này cũng sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ vô cùng khó khăn là vừa phải bảo vệ chủ quyền quốc gia, vừa phải tìm cách thúc đẩy phát triển kinh tế./.