Công hàm của Bộ Ngoại giao Philippines “phản đối việc triển khai không ngừng, sự hiện diện kéo dài và các hoạt động bất hợp pháp của các tàu hàng hải và tàu đánh cá của Trung Quốc ở vùng lân cận đảo Thị Tứ (hay Pag-asa theo cách gọi của Manila), thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép. Công hàm được đưa ra trong bối cảnh các báo cáo tiếp tục cho thấy các tàu Trung Quốc vẫn nằm rải rác ở Biển Đông.
Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Elizabeth Buensuceso cho rằng “sự hiện diện tràn ngập của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có vùng biển của Philippines không chỉ xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines mà còn đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực”.
Kể từ tháng 3/2021, Philippines đã nhiều lần phản đối Trung Quốc về đội tàu ở Biển Đông. Có thời điểm, Philippines đã gửi phản đối hàng ngày trước sự hiện diện kéo dài của hàng trăm tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Đồng thời, nước này cũng đã tăng gấp 8 lần các hoạt động tuần tra trên Biển Đông.
Theo báo cáo của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) tuần này, từ ngày 1/3 đến 25/5, 13 tàu thực thi pháp luật hoặc quân sự của Philippines đã được triển khai đến các vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam ít nhất 57 lần.
Sự xuất hiện kéo dài của các tàu Trung Quốc ở Biển Đông cũng gây ra các cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ Philippines. Tổng thống Duterte thậm chí “cấm” Nội các của ông thảo luận về các tranh chấp đang diễn ra với Trung Quốc.
Cuộc phản đối mới diễn ra đúng một tuần sau khi Manila và Bắc Kinh nối lại các cuộc đàm phán song phương về Biển Đông thông qua cuộc họp lần thứ sáu về Cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông ngày 21/5 vừa qua./.