Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions hôm qua (13/6) đã ra điều trần trước Uỷ ban Tình báo Thượng viện nhằm đối chứng lời khai của cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey nhằm vào Tổng thống Donald Trump. Cuộc điều trần kéo dài trong khoảng 2 tiếng rưỡi trong một bầu không khí được xem là đầy căng thẳng với những màn chất vấn và đáp trả gay gắt.

jeff_sessions_josl.jpg
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions. (Ảnh: New York Times)

Tại phiên điều trần được dư luận theo dõi sát sao này, ông Sessions đã lên tiếng bác bỏ bất cứ kết luận nào nói rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm có lợi cho ông Donald Trump, cho rằng những cáo buộc như vậy là “sự dối trá kinh hoàng và đáng ghét”.

Theo ông Sessions, ông chưa bao giờ nhận được bất cứ tài liệu mật nào liên quan đến việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ hồi năm ngoái. Ông cũng kịch liệt phủ nhận là đã nói chuyện với các quan chức Nga về vấn đề bầu cử trong suốt quá trình vận động tranh cử của ông Trump khi đó còn là ứng cử viên và ông là một cố vấn thân cận của ông Trump.

Ông chỉ công nhận là đã gặp Đại sứ Nga Sergei Kislyak hai lần, song có nói rằng ông không thể nhớ là liệu có phải đã gặp vị đại sứ Nga tại một sự kiện về chính sách ngoại giao hồi tháng 4/2016 hay không như những gì mà truyền thông Mỹ đưa tin.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ trước những cáo buộc cho rằng ông đã hành xử không thích hợp trong một loạt cuộc tiếp xúc với các quan chức Nga, cũng như biết rõ cái gọi là “âm mưu câu kết” của đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump với Nga.

Khi được Phó Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Thượng viện, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner truy vấn về vai trò của ông trong việc ông Comey bị sa thải. Ông Sessions đã nói rằng, ông chưa bao giờ nói chuyện với ông Comey trước khi Tổng thống Trump sa thải ông này hồi tháng 5 vừa qua.

Ông Sessions cũng từ chối  trả lời về việc liệu ông và Tổng thống Trump có nói chuyện về cuộc điều tra do cựu Giám đốc FBI James Comey tiến hành đối với cáo buộc ban vận động tranh cử của ông Trump có liên hệ với phía Nga hay không.

Cựu Thượng nghị sĩ bang Alabama cũng thường xuyên lảng tránh các câu hỏi cũng như đưa ra các lý giải một cách chi tiết về các vấn đề khó liên qua đến cuộc hội thoại của ông với Tổng thống mà các nghị sĩ chất vấn, khi liên tục nói rằng, “tôi không nhớ” hoặc “tôi không rõ lắm”.

Cách trả lời và từ chối trả lời các câu hỏi của ông Sessions đã khiến không ít các nghị sĩ, đa phần là nghị sĩ đảng Dân chủ không khỏi thất vọng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lời khai của ông Sessions được cho là không cung cấp thông tin gì mới về cáo buộc ban vận động tranh cử của ông Trump có liên quan với Nga, cũng như về việc sa thải ông Comey. Tuy nhiên, việc ông từ chối thông tin về nội dung trao đổi với Tổng thống Trump lại càng khiến dư luận đặt nghi vấn về khả năng Nhà Trắng đang che giấu điều gì đó.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sessions là một trong những quan chức cấp cao đầu tiên trong chính quyền của Tổng thống Trump bị buộc phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ chỉ sau gần nửa năm ông Trump nhậm chức. 

Cuộc điều trần của ông Sessions diễn ra sau khi cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ James Comey đưa ra nhiều thông tin nhạy cảm khi công khai về mối bất hòa giữa ông  và Tổng thống Trump dẫn đến việc ông Comey bị sa thải hồi tháng 5/2017./.