Quá trình chuyển đổi chính trị của Ai Cập sau khi Tổng thống  Mohamed Morsi bị quân đội phế truất đã vấp phải rào cản đầu tiên. Việc chỉ định cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Mohamed ElBaradei làm Thủ tướng lâm thời vấp phải sự phản đối quyết liệt của các lực lượng Hồi giáo tại Ai Cập.

Theo một số nguồn tin và phương tiện truyền thông địa phương hôm 6/7, việc chỉ định ông ElBaradei làm Thủ tướng mới đã được xác nhận. Tuy nhiên, người phát ngôn Tổng thống cho biết, thực tế vị trí Thủ tướng vẫn chưa được lựa chọn. Các bên vẫn đang tiến hành thảo luận và sẽ không loại trừ bất kì đảng phái chính trị nào với hòa giải là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này.

nhung%20nguoi%20ung%20ho%20anh%20em%20hoi%20giap.jpg
Những người ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo (ảnh: crisisproject)

Thử thách đối với quân đội

Dẫu vậy, thông tin ông ElBaradei được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các lực lượng Hồi giáo tại Ai Cập trong đó có đảng Nour - Lực lượng Hồi giáo chính trị lớn thứ 2 tại Ai Cập sau Tổ chức Anh em Hồi giáo. Điều này báo hiệu những thử thách mà lực lượng quân đội Ai Cập phải đối mặt trong việc tìm sự đồng thuận để quyết định ai sẽ là người điều hành đất nước.

Trong bối cảnh chuyển giao chính trị mới tại Ai Cập như hiện nay, sự ủng hộ của lực lượng Hồi giáo là rất quan trọng. Đảng Nour nhất trí với kế hoạch chuyển giao có sự hậu thuẫn của quân đội hướng đến cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, việc Đảng này phản đối quyết định chỉ định bổ nhiệm Thủ tướng mới làm trệch kế hoạch tìm kiếm sự hỗ trợ của lực lượng Hồi giáo. Hiện nay, có nhiều đồn đoán rằng, Tổng thống lâm thời có thể sẽ rút quyết định chỉ định ông ElBaradei sau khi Đảng Nour phản đối.

Tuy nhiên, Người phát ngôn của Tổng thống, ông Mosalamany, phủ nhận những đồn đoán này: “Các cuộc đối thoại đang diễn ra và vẫn chưa chỉ định được Thủ tướng. Có một cái tên được đánh giá cao nhưng vẫn chưa có xác nhận bằng tuyên bố của Tổng thống. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận".

Trong khi đó, Đảng Tự do và Công lý (FJP) - nhánh chính trị của Tổ chức Anh em Hồi giáo mới đây cũng khước từ lời mời tham gia đối thoại với Tổng thống lâm thời Adli Mansour. Đảng này cho rằng, cần phải phục chức cho ông Morsi và thể hiện quyết tâm biểu tình đến khi đạt được nguyện vọng.

Một quan chức cấp cao của Tổ chức Anh em Hồi giáo, Mohamed Al Baltagy cho biết:

“Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình hòa bình. Chúng tôi sẽ không sử đụng đến bạo lực. Chúng tôi sẽ có các biện pháp đáp trả lực lượng quân đội”.

Phong trào Hồi giáo cực đoan?

Việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống, với sự hậu thuẫn của những cuộc biểu tình trên khắp nước này, đã làm dấy lên những lo ngại rằng, các phần tử Hồi giáo có thể ly khai những tổ chức được chính thức công nhận như Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Morsi và gia nhập các phong trào hiếu chiến hơn.

Một nhóm Hồi giáo mới vừa tuyên bố thành lập tại Ai Cập với tên gọi Ansar al-Shariah đã gọi "việc quân đội phế truất Tổng thống Morsi là sự tuyên chiến với niềm tin tôn giáo của họ", đồng thời đe dọa sử dụng vũ lực để áp đặt luật Hồi giáo.

Tổ chức Anh em Hồi giáo đang kêu gọi một cuộc biểu tình qui mô lớn trong ngày 7/7.

4 ngày sau khi quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống Morsi, đất nước Bắc Phi này dường như càng lún sâu vào một cuộc xung đột gây chia rẽ mới, khi đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ và phản đối ông Morsi làm gần 40 người thiệt mạng và hơn 1.100 người bị thương trên khắp cả nước./.