Điều này có nghĩa là Tổng thống theo đường lối ôn hòa Hassan Rowhani có thể được tiếp sức từ Quốc hội trong chương trình nghị sự cải cách của ông.

iran_ksdh.jpg
Một nhóm phụ nữ Iran tham gia bầu cử Quốc hội. Ảnh AP

Các quan chức Iran chưa công bố kết quả sơ bộ nhưng thăm dò dư luận của các hãng thông tấn bán chính thức như Far và Mehr cho thấy, sự ủng hộ cho phe bảo thủ đang thu hẹp.

Theo kết quả chưa chính thức từ khoảng 50 thị trấn trên khắp Iran, phái cải cách và các đồng minh ôn hòa của họ đang dẫn đầu cuộc bỏ phiếu này, sau đó là đến phái bảo thủ ôn hòa và cuối cùng là phái bảo thủ.

Theo hãng tin AP tại thủ đô Tehran, phái cải cách thậm chí còn dẫn trước rất xa so với các đối thủ theo đường lối bảo thủ. Tuy nhiên, hiện chưa có bên nào trong 3 phe phái chính trị giành được đa số tại Quốc hội 290 ghế.

Cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng chuyên gia Iran diễn ra ngày 26/2 là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo này đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) hồi năm ngoái.

Phái cải cách và ôn hòa ủng hộ Tổng thống Rowhani dường như đang được hưởng lợi từ hiệu ứng tích cực sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ theo thỏa thuận trên.

Trong khi đó, những chính trị gia tranh cử thuộc phái bảo thủ Iran chủ yếu là những người trung thành với cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, người gây ra nhiều căng thẳng với Mỹ trong suốt 2 nhiệm kỳ cầm quyền của mình.

Trong một chiến lược nhằm phân tán lực lượng bảo thủ, phe cải cách đã liên minh với một số chính trị gia bảo thủ nhưng có tư tưởng ổn hòa hơn nên đã tách ra khỏi khối cứng rắn của ông Ahmadinejad.

Phe cải cách với chủ trương thúc đẩy dân chủ đang trên đà giành được số phiếu nhiều nhất kể từ năm 2004, khi mà nhiều ứng viên theo đường lối cải cách bị cấm tranh cử. Phe cải cách ở Iran từng nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 1997 đưa ông Mohammad Khatami lên làm Tổng thống và sau đó cũng lần đầu tiên giành được đa số tại Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử năm 2000.

Phong trào này thúc đẩy việc nới lỏng các quy định của xã hội Hồi giáo, đấu tranh cho tự do ngôn luận lớn hơn cũng như cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế. Họ từng bị gạt ra khỏi chính trường Iran trong gần một thập kỷ dưới thời cựu Tổng thống Ahmadinejad cho đến khi đương kim Tổng thống Rôhani lên nắm quyền./.