Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) sẽ tổ chức Ngày Phát thanh Thế giới đầu tiên vào ngày 13/2/2013, nhằm tôn vinh vai trò của phát thanh trong lĩnh vực giáo dục và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của công chúng.

Trong kỷ nguyên số, phát thanh thích ứng tốt với các nền tảng công nghệ mới, nối dài không ngừng ‘cánh sóng’. Không những vậy, nó vẫn giữ lại các ưu thế nổi trội trong việc giúp vùng sâu vùng xa và các cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng với chi phí thấp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, diện phủ sóng của phát thanh lên tới ít nhất là 95% dân số thế giới. 

keu%20goi%20ngay%20radio%20the%20gioi%20copy.jpg
(ảnh: untogo)

Phát thanh thực sự là phương tiện truyền thông đa mục đích. Không chỉ thông tin, nó còn giúp người dân, trong đó có giới trẻ, tham gia thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ. Phát thanh cũng chứng tỏ mình là một lực lượng hùng hậu có khả năng cứu sinh mạng con người trong các thảm họa, hay huy động quần chúng tạo ra những thay đổi xã hội căn bản.

Liên Hợp Quốc đã và đang kêu gọi các nước trên toàn cầu tích cực hưởng ứng Ngày Phát thanh Thế giới (cũng trùng vào ngày kỷ niệm Đài Phát thanh Liên Hợp Quốc - phát sóng năm 1946).

Trong thông điệp của mình, bà Tổng Giám đốc UNESCO, Irina Bokova, đã nói: “Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, chúng ta phải tận dụng năng lực của phát thanh trong việc kết nối mọi người và các xã hội, chia sẻ tri thức và thông tin, cũng như tăng cường hiểu biết”.

Bà Bokova nhấn mạnh thêm: “Phát thanh là phương tiện truyền thông đại chúng có khả năng vươn tới lượng công chúng lớn nhất, đặc biệt là những nhóm xã hội bị gạt sang bên lề… Phát thanh thiết yếu cho sự phát triển lành mạnh của xã hội và thúc đẩy các quyền tự do của con người.”

Tuy nhiên, theo UNESCO, vẫn còn tới 1 tỷ người chưa được tiếp cận với phát thanh. Chẳng hạn ở Nepal, cứ 1 trong 5 người lại sống ở những vùng không phủ sóng phát thanh. 

Phát thanh và giới trẻ (ảnh: UNESCO)

“Có hàng trăm đài phát thanh ở Nepal và chúng tôi hy vọng họ sẽ sử dụng ngày 13/2 này để khẳng định quyền năng của mình,” Axel Plathe, trưởng đại diện UNESCO ở Kathmandu, thủ đô quốc gia Nam Á này, chia sẻ.

“Các đài phát thanh đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo điều kiện tiếp cận thông tin cho vùng sâu vùng xa, đặc biệt là những vùng núi mà thường thì phát thanh là phương tiện truyền thông duy nhất,” Plathe cho biết.

UNESCO khuyến khích tất cả các nước tổ chức chào mừng Ngày Phát thanh Thế giới bằng việc lên kế hoạch phối hợp hoạt động với các hãng, cơ quan phát thanh khu vực, quốc gia và quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, giới truyền thông và công chúng./.