Bộ trưởng Pháp cho biết, các quốc gia muốn trở thành thành viên EU nhưng chưa đủ điều kiện như Ukraine đều có thể tham gia dự án chính trị “Cộng đồng chính trị châu Âu” để hưởng một số đặc quyền như một thành viên chính thức.
Phát biểu trên kênh Radio J, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clément Beaune khẳng định, Pháp sẽ tiếp tục cùng các đối tác châu Âu và Mỹ duy trì “lằn ranh đỏ” là chỉ hỗ trợ thiết bị quân sự và viện trợ nhân đạo cho Ukraine mà không trực tiếp tham chiến. Song song với các biện pháp trừng phạt, Pháp vẫn sẽ nỗ lực duy trì kênh đối thoại với Nga để đưa hoà bình trở lại châu Âu.
Ông Clément Beaune nhấn mạnh việc hình thành một cấu trúc an ninh châu Âu mới có thể sẽ mất một đến một vài thập kỷ và chắc chắn không thể thiếu nước Nga. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp cũng cảnh báo sẽ cần rất nhiều thời gian để Ukraine trở thành thành viên chính thức của EU.
“Cần phải trung thực rằng nếu nói rằng Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu trong 6 tháng, 1 hoặc 2 năm tới thì sẽ là nói dối. Điều này là không đúng bởi để gia nhập Liên minh châu Âu, chắc chắn sẽ cần 15 hoặc 20 năm, rất là dài. Tôi không muốn người Ukraine bị ảo tưởng hay bị lừa dối”.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu Clément Beaune cho rằng, các quốc gia chưa đủ điều kiện gia nhập EU như Ukraine hay Gruzia và Moldova đều có thể tham gia dự án chính trị đang được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy có tên gọi “Cộng đồng chính trị châu Âu”.
Ông Clément Beaune khẳng định, nếu tham gia dự án chính trị này, Ukraine cũng sẽ được hưởng các đặc quyền như thành viên chính thức của EU như được tự do đi lại trong không gian chung, nhận hỗ trợ một phần từ ngân sách châu Âu để tái thiết và tăng trưởng hay tham gia các chính sách năng lượng chung.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 19/5 đã bác bỏ ý tưởng này khi cho biết chỉ chấp nhận việc trở thành thành viên đầy đủ của EU chứ không chấp nhận một giải pháp thay thế.
Việc kết nạp các nước Ukraine, Gruzia và Moldova đến nay vẫn gây tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ EU. Pháp và Đức chủ trương phản đối việc rút ngắn quá trình gia nhập châu Âu của Ukraine, trong khi các nước Baltic và phía Đông khẳng định sẽ không từ bỏ nỗ lực cho đến Ukraine được kết nạp./.