Trong phát biểu chính thức đầu tiên sau vụ tấn công quân sự vào Syria rạng sáng nay, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quân đội Pháp cho rằng, mục đích lớn nhất của Pháp là để ngăn chặn chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học trong tương lai và Pháp đã đạt mục tiêu.

Trong buổi họp báo chung được tổ chức sáng nay tại thủ đô Paris, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Jean Yves Le Drian và Bộ trưởng Quân đội Pháp, bà Florence Parly đều khẳng định rằng mục đích mà quân đội Pháp nhằm đến là triệt tiêu các cơ sở sản xuất vũ khí hoá học trái phép của chính quyền ông Bashar Al-Assad, đồng thời biện minh rằng các hành động này của Pháp là phù hợp với luật pháp, với mục đích chính là phá huỷ năng lực sản xuất hoá học của chính quyền Syria.         

khong_kich_nsrd.jpg
Khói bốc mù mịt tại thủ đô Damascus của Syria sau cuộc không kích (Ảnh: AP).

Tiếp đó, phát biểu trên đài BFMTV, ông Jean Yves Le Drian cũng cho biết mục tiêu đã đạt được khi phần lớn kho vũ khí hoá học của Syria đã bị phá huỷ. Tuy nhiên, ông Le Drian cho biết Pháp chưa có các dự tính cho các hành động tiếp theo.

Các tuyên bố này cho thấy, giống như trong thông cáo báo chí do Phủ Tổng thống Pháp đưa ra rạng sáng nay, nước Pháp tiếp tục nhấn mạnh đến việc Pháp chỉ tấn công vào các cơ sở sản xuất vũ khí hoá học của Syria, tức là Pháp hoàn toàn không có ý định gây tổn hại cho các cơ sở quân sự, khí tài, cũng như binh lính và sỹ quan Nga đang đồn trú tại Syria.

Mục đích mà Pháp tham gia vào hành động quân sự của Mỹ tại Syria được cho là hoàn toàn mang tính biểu tượng, tức không có nhiều ý nghĩa về mặt thực tế chiến trường, mà chỉ là hành động nhằm bảo toàn uy tín cho nước Pháp do trước đó Pháp luôn khẳng định sẽ trừng phạt chính quyền Syria nếu có bằng chứng chính quyền này sử dụng vũ khí hoá học.

Pháp cũng cho biết là họ đã thông báo trước cho phía Nga về hành động của mình, không giống như tuyên bố từ phía Mỹ là Mỹ không thông báo cho Nga.

Như vậy, Pháp đã ủng hộ Mỹ trên khía cạnh chính trị bằng một sự can dự hoàn toàn mang tính tượng trưng về mặt quân sự. Điều này cũng giống như tuyên bố của các quan chức NATO, như Tổng Thư ký Stoltenberg rằng NATO ủng hộ Mỹ tấn công quân sự để trừng phạt Syria, dù thực tế rất ít thành viên NATO tham dự vào chiến dịch không kích này của Mỹ, Anh và Pháp.

Điểm đáng chú ý nhất đối với Pháp là việc lần đầu tiên hải quân nước này đã sử dụng các tên lửa hành trình MdCN trong thực chiến.

Tên lửa này được quân đội Pháp biên chế cho hải quân từ đầu năm 2017, có tầm bắn khoảng 1000km, do hãng MBDA chế tạo.

Theo thông tin từ Bộ trưởng quân đội Pháp, Florence Parly thì tên lửa MdCN đã được phóng đi từ chiến hạm Aquitaine mà Pháp đã điều đến phía Đông biển Địa Trung Hải từ vài ngày qua. Việc sử dụng tên lửa MdCN trong thực chiến được xem là đánh dấu bước ngoặt về trình độ tác chiến của hải quân Pháp và đưa Pháp vào danh sách rất ít các cường quốc quân sự có khả năng răn đe và tấn công đối thủ từ xa nhờ các loại tên lửa hành trình Scalp phóng từ máy bay Rafale và MdCN từ tàu chiến mặt nước.

Trong lúc này, nhiều quan chức Liên minh châu Âu cũng đã đưa ra các phản ứng ủng hộ đối với vụ tấn công Syria của liên minh Mỹ-Anh-Pháp. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk cho rằng vụ tấn công vào Syria đã làm rõ một điều rằng, chế độ của ông Al Assad cũng như Nga và Iran không thể tiếp tục các chính sách bị châu Âu quy là “tội ác” như hiện nay.

Một quốc gia quan trọng ở châu Âu là Đức cũng đã ra tuyên bố ủng hộ cuộc tấn công của Mỹ-Anh-Pháp. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cho rằng cuộc tấn công này là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, phía Đức vẫn từ chối cho biết liệu nước này có tham gia các hành động quân sự tương tự chống lại Syria trong tương lai hay không./.