Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/6 có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko tại điện Élysées. Tại đây, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của nước Pháp đã cho thấy tham vọng đưa Pháp trở lại vị trí hàng đầu trong giải quyết những hồ sơ nóng quốc tế hiện nay, mà cụ thể là hồ sơ Ukraine, vốn đang đẩy Nga và các nước phương Tây vào một cuộc đối đầu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Sau những tuyên bố thể hiện lập trường khá mới mẻ trong hồ sơ Syria, Tổng thống Macron đã đề cập tới một vấn đề quốc tế nóng khác, mà nhà lãnh đạo mới của nước Pháp tới nay vẫn còn dè dặt.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Poroshenko, ông chủ điện Élysées đã nêu chi tiết cách thức mà ông muốn thực hiện nhằm đạt được một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột đang tiếp tục gây chia rẽ tại miền Đông Ukraine.
Theo các nhà phân tích, một điều dễ nhận thấy, cách tiếp cận của ông Macron trong vấn đề này không có sự khác biệt nhiều so với chính quyền trước đó tại Pháp khi khẳng định sẽ tiếp tục hành động trong khuôn khổ các thỏa thuận Minsk.
Những văn kiện này, được ký kết hồi tháng 2/2015 tại thủ đô Minsk, Belarus và hiện đều đang rơi vào “điểm chết”, xác lập chủ quyền của Ukraine đối với những khu vực miền Đông, mà chính phủ nước này hiện gần như là đã mất quyền kiểm soát, cũng như đối với khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine đổi lại nước này sẽ phải trao nhiều quyền tự chủ hơn cho những vùng lãnh thổ li khai Donetsk và Lugansk.
Theo Tổng thống Pháp, sẽ mất nhiều thời gian nếu các bên đàm phán lại về những điều khoản mới và lựa chọn tốt nhất hiện nay chính là cụ thể hóa những điểm được nêu trong tiến trình Minsk, được ký dưới sự bảo trợ của người tiền nhiệm Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ông chủ điện Élysées cũng bác bỏ ý tưởng về một giải pháp thay thế mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra mới đây, đồng thời cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp qua điện thoại vào ngày 7 và 8/7 tới với các nước bảo trợ cho thỏa thuận hòa bình Minsk, gồm Pháp, Đức, Ukraine và Nga, hay còn gọi là nhóm “Bộ tứ Normandy”.
“Tình hình ở miền Đông Ukraine trong suốt 3 năm qua đã đẩy cuộc sống của người dân Ukraine vào một tình huống khó khăn, tạo ra một mối nguy cơ thực sự đối với an ninh không chỉ của Ukraine, mà còn của châu Âu và Nga.
Đây cũng là lý do chúng ta phải tiếp tục thỏa thuận hòa bình Minsk. Tại cuộc họp theo mô hình Normandy sắp tới, chúng tôi sẽ thảo luận những biện pháp nhằm thúc đẩy một giải pháp chám dứt cuộc khủng hoảng”, ông Macron nói.
Câu hỏi đặt ra lúc này là vị Tổng thống mới của nước Pháp sẽ làm thế nào để thúc đẩy hồ sơ Ukraine, để hóa giải một trong những cuộc xung đột được xem là gay gắt nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh giữa một bên là Pháp và các nước phương Tây khác với một bên là Nga? Câu trả lời vẫn cần thời gian trả lời, song nếu như ông Macron có thể khôi phục mô hình đàm phán Normandy thì đây có thể được xem là một thành công lớn, một tín hiệu cho thấy sự tiến triển của hồ sơ nóng này.
Để tránh cho các bên Nga và Ukraine tiếp tục đổ lỗi cho nhau làm gia tăng căng thẳng, ông Macron cũng muốn một sự tham gia tích cực hơn của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu trong các cuộc thảo luận, với vai trò như “một thẩm phán hòa bình”. Vai trò của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu trong tương lai cũng dược dự báo là một trong những phép thử đầu tiên của “học thuyết Macron”./.