Chỉ ít phút sau thông báo ra lệnh tấn công quân sự Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào rạng sáng 14/4 (theo giờ Việt Nam), phủ Tổng thống Pháp cũng đã đưa ra xác nhận nước này cùng tham gia hành động quân sự với Mỹ.

Việc Pháp tham gia hành động quân sự nhằm vào Syria lần này đã được dự đoán trước, bởi từ hồi tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố là nếu có bằng chứng về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học thì Pháp sẽ tấn công quân sự.       

download_wvfi.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự cuộc họp cùng với phía Mỹ và Anh, để thảo luận chiến dịch không kích chung nhằm vào Syria. Ảnh: Twitter của ông Macron/Reuters

Tuy nhiên, khác với Mỹ và Anh, Pháp luôn duy trì kênh đối thoại rất chặt chẽ với phía Nga.

Trong bài trả lời PV kênh truyền hình Pháp TF1 chỉ 1 ngày trước khi diễn ra các đợt tấn công, Tổng thống Macron cho biết, ông đã liên tục điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để tìm lối thoát cho vấn đề Syria. Và ngay sau khi xác nhận đã tấn công Syria, Pháp cũng nhấn mạnh việc nối lại các kênh ngoại giao.

Có thể nói, đối với Pháp việc tấn công quân sự Syria là việc bắt buộc, bởi chính quyền Pháp cần giữ uy tín và cam kết của mình trước đó. Nhưng Pháp tuyệt đối không muốn phiêu lưu quân sự.

Ngoài ra, trong chính sách đối ngoại của mình từ trước đến nay, Pháp luôn muốn duy trì một sự độc lập tương đối so với Mỹ. Đặc biệt từ khi ông Macron lên nắm quyền, Pháp luôn xem mình có vai trò và quyền lực trở thành một cường quốc ngoại giao, làm trung gian cho các xung đột quốc tế.

Vì vậy, việc Pháp tấn công Syria lần này chủ yếu mang tính tượng trưng vì không thay đổi được cục  diện chiến trường Syria và mục đích lâu dài của Pháp sẽ là làm cầu nối giữa phương Tây với Nga để tìm ra giải pháp cho vấn đề Syria, nhất là trong bối cảnh Mỹ và Anh gần như không thể đối thoại với Nga như hiện nay./.