Cảnh sát Pháp ngay lập tức đã xác định được danh tính của kẻ xả súng và tuyên bố tên này đã nằm trong hồ sơ theo dõi từ nhiều tháng trước. Công tố viên Paris khẳng định tên này tên là Karim Cheurfi, một người Pháp 39 tuổi, sinh tại vùng Seine-Saint-Denis. Trong khoảng thời gian từ năm 2007-2014, tên này bị kết án 4 lần vì các tội danh trộm cắp, gây bạo lực và có ý đồ khủng bố.

canh_sat_vu_trang_phap_hzwd.jpg
Cảnh sát vũ trang Pháp.

Vài giờ sau khi xảy ra vụ xả súng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đã tuyên bố chỉ đạo vụ việc. Tuyên bố này ban đầu gây nhiều nghi ngờ và hoang mang, do phía IS nêu ra một nhân vật Abou Youssouf Al-Belgiki quốc tịch Bỉ, khiến Pháp cũng phải chú ý điều tra xem liệu có khả năng có kẻ đồng phạm với tên Karim hay không. Công tố viên Paris sau đó cũng đưa ra thông tin khi tên Karim bị bắn hạ, một mẩu giấy từ trong túi áo của tên này rơi ra, trong đó có ghi mục đích tiến hành vụ việc vì IS.

Dấu vết dính líu của tên này với Hồi giáo cực đoan cũng được xác định từ khoảng tháng 12/2016, khi tên Karim bị theo dõi khi tìm cách tìm vũ khí và liên lạc với một cá nhân là chiến binh IS ở Iraq, Syria.

Cảnh sát Pháp đã mở hồ sơ điều tra về tên này khi đó và ghi tên hắn vào danh sách phải theo dõi đề ngăn chặn cực đoan hóa mang tính chất khủng bố. Tuy nhiên, kẻ xả súng không nằm trong hồ sơ “S” của cảnh sát Pháp. Khám xét nhà tên này tại Seine-en-Marne cũng tìm thấy nhiều “yếu tố của cực đoan hóa”.

Vụ xả súng đã làm đảo lộn lịch trình những ngày tranh cử cuối cùng, khi nhiều ứng cử viên chính đã hủy các kế hoạch đi vận động bầu cử ở địa phương.

Sự dính líu đến IS là điều Pháp đang bận tâm nhiều nhất, báo chí Pháp còn giật tít “IS nhắm đến cuộc bầu cử tại Pháp”. Bởi vụ xả súng táo tợn tối hôm thứ 5 vừa qua có ý nghĩa biểu tượng lớn: đánh vào Đại lộ biểu tượng Champs Elysee, cách Khải Hoàn Môn vài mét – nơi tập trung đông đúc du khách và được bảo vệ an ninh số 1 tại Paris; nhằm vào cảnh sát- những người đại diện cho nền cộng hòa Pháp; diễn ra 3 ngày trước vòng một cuộc bầu cử và vào đúng lúc đang diễn ra các cuộc tranh luận cuối cùng trước bầu cử.

Nếu thực sự có bàn tay IS, thì cũng có nghĩa là sẽ còn thêm nhiều vụ khác, đặt ra mối hiểm họa lớn cho nước Pháp trong việc bảo đảm an ninh cho 67.000 điểm bỏ phiếu và các địa điểm công cộng đông đúc vào ngày mai, khi vòng 1 cuộc bầu cử bắt đầu. Pháp đã tuyên bố huy động tổng lực 50.000 cảnh sát và hiến binh bổ trợ cùng lực lượng 7.000 người của đội chống khủng bố Sentinelle để thực hiện nhiệm vụ nặng nề này./.