Hội đồng Bộ trưởng Pháp đang xem xét dự luật cải cách ngành tư pháp của Chính phủ Pháp, song giống như dự luật cải cách tỵ nạn và nhập cư, dự luật cải cách tư pháp đang tạo ra những tranh cãi gay gắt trong Chính phủ Pháp.

11315613lpw_11315645_article_nicole_belloubet_jpg_4759645_1250x625_rifu.jpg
Bộ trưởng Tư pháp của chính phủ Pháp Nicole Belloubet. Ảnh: Lepoint

Ngày 20/4, Bộ trưởng Tư pháp của chính phủ Pháp, bà Nicole Belloubet đã đệ trình lên Hội đồng Bộ trưởng một dự luật cải cách ngành tư pháp với nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan tới chức năng, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của bộ máy tư pháp.

Theo dự luật, trong vòng 5 năm tới, chính phủ sẽ đầu tư 500 triệu Euro vào xây dựng hệ thống phần mềm, trang thiết bị tin học mới nhằm số hóa các hoạt động tư pháp. Theo đó, thay vì phải đến trình diện tại cơ quan cảnh sát, nạn nhân của các vụ án hình sự hoặc dân sự, có thể gửi đơn khiếu nại lên tòa án qua internet.

Bên cạnh đó, các thẩm phán cũng có thể giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự quy mô nhỏ, thông qua mạng internet, mà không cần mở một phiên tòa như trước đây.

Dự luật cũng đưa ra hàng loạt đề xuất liên quan việc phân cấp xử lý các vụ án, thử nghiệm hoạt động của tòa án hình sự cấp tỉnh, cải cách thủ tục tố tụng hình sự và dân sự, tăng vai trò trung gian hòa giải trong các vụ án tranh chấp dân sự ở quy mô nhỏ hay tổ chức lại các bản án hình sự…

Tuy nhận được đồng thuận tại một số điểm, nhưng dự luật cải cách tư pháp cũng gặp phải rất nhiều tranh cãi, đặc biệt là của giới thẩm phán, luật sư.

Ông Stéphane Dhonte, Chủ tịch Đoàn Luật sư thành phố Lille cho rằng, nếu được thông qua, dự luật này sẽ ngăn cản các thẩm phán trong quá trình tìm kiếm sự công bằng. Các quyết định có thể được đưa ra mà không cần gặp thẩm phán, nhưng thẩm phán không thể đưa ra quyết định chính xác nếu không gặp mặt những người có liên quan.

Tranh cãi cũng nổ ra xung quanh việc dự luật không đề cập tới việc thành lập một “Viện Kiểm sát chống khủng bố ở cấp quốc gia” như tuyên bố hồi tháng 10 năm ngoái của Thủ tướng Edouard Phlippe và Bộ trưởng Tư pháp. Thay vào đó là thử nghiệm hoạt động của các “tòa án hình sự cấp tỉnh”.

Việc phân cấp giải quyết các vụ án đối với tòa sơ thẩm và phúc thẩm bị cho rằng sẽ dẫn đến việc xóa bỏ hoạt động của hàng trăm tòa án cùng với đó là việc làm trong ngành tư pháp./.