Ngày 18/4, Anh lên tiếng cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực đối với vụ kiện của Philippines chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dự kiến được đưa ra trong vài tháng tới phải có tính ràng buộc.

trung_quoc_gqzc.jpg
Hoạt động cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây quan ngại trong cộng đồng quốc tế. (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn lời Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire, phụ trách khu vực Đông Nam Á cho biết, Anh hy vọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague là cơ hội mới cho Trung Quốc và Philippines đối thoại về tranh chấp lãnh thổ.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố gần như toàn bộ diện tích Biển Đông và cho đến nay vẫn khẳng định sẽ không công nhận bất kỳ phán quyết nào của Tòa trọng tài Thường trực. Theo nhận định của giới quan sát, nhiều khả năng phán quyết của Tòa sẽ nghiêng về hướng có lợi hơn cho Philippines.

Dự kiện, Tòa sẽ ra phán quyết đối với vụ kiện của Philippines vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Ông Swire cũng nói rằng, dù cho mối quan hệ giữa Anh với Trung Quốc đã “ấm dần” và Anh đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Trung Quốc thì điều này không đồng nghĩa với việc Anh “ngừng quan tâm đến những vấn đề quan trọng” như những cáo buộc không đảm bảo quyền tự do công dân hay yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông.

“Chúng tôi muốn nói với Trung Quốc rằng, chúng tôi chỉ có thể làm việc dựa trên nguyên tắc minh bạch, cởi mở tuân thủ theo luật pháp quốc tế”, ông Swire phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của Washington.

Ông Swire nói thêm: “Hệ thống luật pháp quốc tế là hệ thống mà cả thế giới phụ thuộc vào nó, chúng ta hy vọng rằng, dù cho phán quyết có đứng về bên nào đi chăng nữa thì quyết định được được ra ở The Hague phải được các bên liên quan tôn trọng”.

Hồi tháng 2/2016, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã cảnh báo Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết ở The Hague bởi trên thực tế Tòa trọng tài Thường trực không có quyền buộc các bên liên quan phải thực thi phán quyết. Trong quá khứ, nhiều phán quyết của Tòa này đã không phát huy tác dụng trong thực tế.

Phía Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng, nếu tòa ra quyết định bất lợi cho Trung Quốc, nước này có thể mượn cớ để tuyên bố thiết lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, bắt buộc các máy bay phải khai báo khi bay qua không phận của một trong những tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất thế giới.

Nhận định về khả năng này, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố, Anh coi tự do hàng hải là “hoàn toàn không thể thương lượng”.

Theo Reuters, sự nồng nhiệt của nước Anh khi chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10/2015, cũng như việc nước này tham gia ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á AIIB do Trung Quốc sáng lập phải hứng chịu không ít chỉ trích của các nhà phê bình khi cho rằng, Anh đã đặt lợi ích kinh tế ngắn hạn lên trên quyền con người và lợi ích an ninh chiến lược./.