Phát biểu đưa ra một ngày sau thông báo bất ngờ của Tổng thống Donald Trump ủng hộ giải pháp hai nhà nước, cũng như một kế hoạch hòa bình mới, mà theo ông là sẽ “vẹn cả đôi đường” cho cả Israel và Palestine.
(Ảnh minh họa: Wikipedia) |
Trong bài phát biểu trước kỳ họp hàng năm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 27/9 cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây cản trở cho giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine.
Trước đó một ngày, cũng tại kỳ họp này, Tổng thống Donald Trump đã gây bất ngờ khi lần đầu tiên thể hiện sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc khủng hoảng tại Trung Đông. Theo Tổng thống Mahmoud Abbas, với tất cả những quyết định của mình thời gian qua, Chính phủ Mỹ đã hủy bỏ mọi cam kết do chính nước này đưa ra trước đó và thậm chí còn gây tổn hại đến giải pháp 2 nhà nước.
Đối với người Palestine, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine tại Washington hay việc ngừng hỗ trợ cho hàng triệu người tị nạn Palestine đã gây cản trở cho cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine và tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế.
Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố: “Jerusalem không phải là để bán và quyền của người Palestine không phải là thứ để mặc cả. Với tất cả những quyết định này, chính quyền Mỹ đã từ bỏ tất cả các cam kết trước đó của mình, làm suy yếu giải pháp hai nhà nước và cho thấy họ không thực sự quan tâm tới vấn đề nhân đạo của người dân Palestine.”
Liên đoàn Arab hoanh nghênh Tây Ban Nha công nhận nhà nước Palestine
Trái với sự bất bình của Palestine, Israel lại có phần khá hào hứng. Theo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông nóng lòng được làm việc với Tổng thống Donald Trump về kế hoạch hòa bình mới, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ không thể lay chuyển của chính quyền Mỹ đối với Israel. Tất cả những phát biểu này một lần nữa cho thấy, 1/4 thế kỷ sau thỏa thuận hòa bình Oslo, triển vọng về một giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine vẫn còn xa vời.
Sáng kiến hòa bình gần đây nhất của Mỹ đã thất bại năm 2014, trong khi lãnh đạo của cả Israel và Palestine giờ đây không còn tỏ ra quá mặn mà khi nói về một tương lai chung sống hòa bình với nhau nữa. Bạo lực vẫn tiếp diễn và dải Gaza hiện như một thùng thuốc súng, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Theo các nhà phân tích, sau khi tự tách mình ra khỏi nguyên tắc về một giải pháp 2 nhà nước, mà những người tiền nhiệm vẫn luôn theo đuổi ít nhất là từ năm 2001, chính quyền Mỹ dường như đã nhận ra không thể tiếp tục "một mình một đường". Tuy nhiên, việc liệu có thể lấy lại được niềm tin của người dân và chính quyền Palestine hay không thì lại là một vấn đề khác. Bởi hiện nay một số nước đã tỏ ý sẵn sàng đảm nhiệm vai trò này.
Minh chứng rõ nhất là sau quyết định của Mỹ rút tài trợ cho Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine, rất nhiều nước đã đề nghị được hỗ trợ. Theo Ngoại trưởng Jordan, Aymane Safadi, tới nay Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine đã nhận được 118 triệu USD từ các quỹ mới do những nước như Đức, Thụy Điển, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ hay Nhật Bản đóng góp./.