Mưa lớn liên tiếp những ngày qua tại Pakistan được xem là một hiện tượng thời tiết không bình thường tại nước này do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nhiệt độ tăng từ Thái Bình Dương. Từ đầu năm 2016 đến nay, hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Theo thống kê của Cơ quan quản lý rủi ro thiên tai quốc gia Pakistan, tỉnh Balochistan là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 17 người chết và 15 người khác bị thương cùng gần 50 ngôi nhà bị sập do mưa lớn gây ra.

pkt_jpts.jpg
Mưa lớn xảy ra tại nhiều khu vực của Pakistan trong vòng 3 ngày qua. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Theo các chuyên gia khí hậu, hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn tại Anh, lũ lớn tại Nam Mỹ, hay lốc xoáy trái mùa khiến nhiều người thiệt mạng tại bang Texas của Mỹ… là hệ quả phức hợp giữa tình trạng Trái Đất nóng lên và hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc liệu El Nino có chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng Trái Đất nóng lên hay không.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Cơ quan Khí tượng Thế giới Michel Jarradu cảnh báo, 2 hiện tượng do con người gây ra này có thể tương tác với nhau và ảnh hưởng đến nhau theo cách thức chưa từng có. Bên cạnh đó, chúng còn gây tác động tiêu cực tới đời sống của người dân.

El Nino là hiện hượng thời tiết đặc biệt với sự xuất hiện của dòng hải lưu nóng bất thường trên Thái Bình Dương. Các dòng hải lưu nóng thường bị gió Đông chặn lại ở Tây Thái Bình Dương, đẩy xuống khu vực Indonesia và Australia.

El Nino xảy ra theo chu kỳ từ 2 - 7 năm, với cường độ khác nhau, khiến nhiệt độ nước ở Tây Thái Bình Dương có thể tăng lên tới 4 độ C so với bình thường./.